Chiếc thuyền xấu số bị chìm cách bờ biển Calabria khoảng 120 hải lý vào đêm 16 rạng sáng 17/6. Hơn 60 người được cho là vẫn đang mất tích và có 11 người sống sót sau vụ tai nạn.
Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy, 12 thi thể nạn nhân nói trên đã được trục vớt ở vùng biển Ionian. Số nạn nhân thiệt mạng được xác nhận đến nay đã lên đến 20 người.
Một thảm kịch khác cũng đã xảy ra hôm 17/6, khi 10 thi thể được phát hiện trên một chiếc thuyền di cư bị đắm tại khu vực ngoài khơi đảo Lampedusa (Italy).
Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc (IOM) cho biết năm ngoái có khoảng 3.155 người di cư đã chết hoặc mất tích ở Địa Trung Hải. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích tại đây.
Vùng biển Trung Địa Trung Hải - trải dài giữa Bắc Phi, Italy và Malta - được cho là tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới, ghi nhận tới 80% số người di cư tử vong và mất tích ở Địa Trung Hải. Nhiều người di cư bắt đầu hành trình đầy nguy hiểm bằng thuyền từ Tunisia hoặc Libya, chọn Italy là "bến đỗ” đầu tiên của họ.
Cùng ngày 20/6, tại khu vực ngoài khơi quần đảo Canary của Tây Ban Nha, 67 người di cư trên một tàu đánh cá đã được cứu.
Theo nhà chức trách Tây Ban Nha, lực lượng cứu hộ tìm thấy 5 người tử vong và 68 người sống sót trên tàu cá, sau đó đã đưa họ lên tàu du lịch Insignia đang di chuyển trong khu vực. Tuy nhiên, 1 người sống sót đã qua đời trong tình trạng nguy kịch.
Hoạt động cứu hộ được triển khai sau khi lực lượng cứu hộ chiều 19/6 nhận được tin báo một tàu đánh cá trôi giạt trên Đại Tây Dương, cách đảo Tenerife khoảng 800 km về phía Nam.
Những người di cư được giải cứu đã được hỗ trợ y tế, thực phẩm, đồ uống, quần áo trên tàu du lịch Insignia. Dự kiến tàu sẽ cập bến đảo Tenerife sáng 21/6 (giờ địa phương) và nhà chức trách Tây Ban Nha sẽ đảm nhận việc chăm sóc những người di cư được cứu sống.
Tây Ban Nha là một trong những cửa ngõ chính đối với những người di cư tìm đường đến châu Âu, trong đó nhiều người thực hiện hành trình đầy nguy hiểm đến Quần đảo Canary ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc châu Phi. Tuyến di cư qua Đại Tây Dương đặc biệt nguy hiểm do dòng chảy mạnh, trong khi những người di cư từ Maroc, Tây Sahara, Mauritania, Gambia và Senegal di chuyển trên những chiếc tàu chở quá tải và không đủ khả năng đi biển.
Theo tổ chức từ thiện Caminando Fronteras, trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 5.000 người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách đến Tây Ban Nha bằng đường biển, trung bình 33 người chết mỗi ngày - con số cao nhất kể từ năm 2007 đến nay.