Trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu tác động của xung đột ở Ukraine và Gaza, thảm họa khí hậu và cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng gia tăng ở Nam bán cầu, Thủ tướng nước Chủ tịch G7 đương nhiệm Giorgia Meloni khẳng định rằng G7 có trách nhiệm lớn và sẽ thực hiện trách nhiệm đó bằng hết khả năng của mình.
Danh sách khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay thể hiện các ưu tiên trong chương trình nghị sự của nước Chủ tịch G7 Italy. Ngoài nguyên thủ của 7 nước thành viên là Italy, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ, cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Giáo hoàng Francis, các nhà lãnh đạo của Ukraine, Ấn Độ, Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Jordan, Kenya, Algeria, Tunisia và Mauritania, quốc gia Chủ tịch đương nhiệm của Liên minh châu Phi cũng dự kiến tham dự. Ngoài ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) cùng những người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Phi và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng là những khách mời quan trọng.
Theo các chuyên gia, do kinh tế ngày càng gắn liền với các vấn đề chính trị và an ninh, nên G7 cần một tầm nhìn tổng thể để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng, từ Ukraine đến Trung Đông, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và để ứng phó với các vấn đề lớn như trí tuệ nhân tạo (AI), biến đổi khí hậu, di cư, mối quan hệ giữa phát triển và di cư, đặc biệt là ở châu Phi. Tuy nhiên, khác với các hội nghị trước, năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ có một chương trình nghị sự mở rộng. Ví dụ như, ngoài cuộc chiến ở Ukraine và xung đột tại Trung Đông, G7 còn thảo luận về các cuộc tấn công tàu thương mại đi qua Biển Đỏ, tình hình Libya, cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là từ góc độ kinh tế và đánh giá về chiến lược của Trung Quốc.
Châu Phi sẽ là trọng tâm của hội nghị G7 năm nay do lục địa này đang đặt ra những thách thức và cơ hội toàn cầu quan trọng. Các nước G7 xác định cần tạo động lực mới để theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng xanh, an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Nước chủ nhà Italy đã đề xuất “Kế hoạch Mattei”, như nền tảng cho các sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước châu Phi, một mô hình hợp tác mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Liên quan đến Trung Đông, G7 sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo sự ổn định và tạo điều kiện cho nền hòa bình lâu dài và bền vững dựa trên giải pháp hai nhà nước. Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ ủng hộ đề xuất ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa ra. Thỏa thuận ngừng bắn này có thể mở đường cho việc chấm dứt lâu dài cuộc xung đột, cho phép G7 hợp tác với các đối tác trong khu vực hướng tới an ninh và hòa bình bền vững, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu chia thành một bên ủng hộ Israel và những nước khác có thiện cảm với Palestine.
Một trong những vấn đề sẽ được quyết định tại hội nghị thượng đỉnh G7 là việc dùng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mà bản thân các nước G7 vẫn còn nhiều chia rẽ. Nga hiện có gần 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa trên thế giới. Nhưng một số quốc gia G7, trong đó có Đức và Nhật Bản, không sẵn sàng thu giữ những tài sản này do những hậu quả pháp lý tiềm ẩn và những tác động thị trường rộng lớn hơn. Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Italy, Pháp, và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì lo ngại rằng việc thu giữ khối tài sản này có thể làm suy yếu niềm tin vào đồng euro. Thỏa thuận này, nếu đạt được, báo hiệu quyết tâm vững chắc của G7 trong việc hỗ trợ Ukraine. Theo bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Italy, G7 cần phải cẩn thận để không leo thang căng thẳng với Nga, đồng thời tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Tương tự như vậy, những khác biệt sẽ được bộc lộ khi các đồng minh phương Tây thảo luận về Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ bày tỏ quan ngại về năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận về cách tốt nhất để chống lại điều mà họ gọi là trợ cấp của nhà nước Trung Quốc.
Về vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI), hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giải quyết 3 khía cạnh chủ chốt, do AI vừa có thể tạo ra những cơ hội cùng những rủi ro lớn, cũng như tác động đến sự cân bằng địa chính trị. Một là việc sử dụng AI một cách có đạo đức, phát triển các cơ chế quản trị và đảm bảo AI lấy con người làm trung tâm và do con người kiểm soát. Hai là tác động của AI đối với việc làm. Các nước G7 hiện đồng thuận rộng rãi về nhu cầu đầu tư vào lực lượng lao động và đào tạo. Ba là nguy cơ AI có thể nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nước kém phát triển hơn.
Một chủ đề khác được Italy ưu tiên là vấn đề di cư, với các cuộc thảo luận xoay quanh 3 yếu tố: hỗ trợ các quốc gia xuất xứ và quá cảnh của người di cư, thúc đẩy hợp tác giữa các nước, và cung cấp các kênh hợp pháp cho người di cư (do mỗi nước có chủ quyền trong việc quản lý biên giới của mình và xác định hạn ngạch nhập cảnh). Về điểm thứ ba, Italy đã quyết định công bố hạn ngạch cho phép 151.000 người lao động ngoài EU đến nước này.
Chương trình nghị sự về khí hậu của G7 cũng có thể giúp Thủ tướng Italy nâng cao uy tín lãnh đạo của mình, nếu hội nghị thượng đỉnh này xác nhận cam kết của các nước G7 hoàn tất Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong khoảng thời gian từ 9-12 tháng trước Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP30), dự kiến diễn tháng 11/2025 tại Brazil. Nhà phân tích chính sách Luca Bergamaschi, người sáng lập tổ chức tư vấn khí hậu và năng lượng Ecco của Italy, cho rằng điều quan trọng là các nước G7 đi tiên phong, đặc biệt là vào thời điểm Nghị viện châu Âu được thành lập sau bầu cử. Ông Hans-Joachim Schellnhuber, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam (Đức), cảnh báo rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu và các nước G7 cần phải hành động ngay lập tức.
Ảnh hưởng toàn cầu của G7 đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng khả năng đoàn kết và việc mời các nhà lãnh đạo ngoài khối tham dự các hội nghị thượng đỉnh có thể giúp G7 thực hiện thành công những ưu tiên của mình. Ông Riccardo Alcaro, điều phối viên nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế - một tổ chức nghiên cứu của Italy, nhận xét rằng G7 có thể không còn là nhóm thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu nữa, nhưng vẫn có năng lực để định hình một phần quan hệ quốc tế do tạo được sự đồng thuận trong phương Tây do Mỹ lãnh đạo trong quan hệ với các nước như Trung Quốc và Nga, và đối tác ở Nam bán cầu.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn về Italy. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện hữu, hội nghị thượng đỉnh G7 này không chỉ là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, mà còn là cơ hội quan trọng để khôi phục lòng tin vào các tổ chức quốc tế, thông qua hành động đa phương có mục tiêu và quyết đoán.