Thụy Sĩ đối mặt thách thức mới sau thương vụ UBS sáp nhập Credit Suisse

Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) ngày 23/3 thừa nhận “cuộc hôn nhân” giữa UBS và Credit Suisse được dàn xếp để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ tài chính toàn cầu, song quy mô của ngân hàng mới có thể đặt ra những vấn đề không nhỏ đối với Thụy Sĩ.

Chú thích ảnh
Một chi nhánh ngân hàng Credit Suisse tại Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 13/2/2023. Ảnh: THX/ TTXVN

SNB, đóng vai trò “bà mối” trong thương vụ UBS sáp nhập Credit Suisse, cho biết việc thành lập một "đại ngân hàng" tại Thụy Sĩ sẽ gây ra những vấn đề về cạnh tranh và cần được giải quyết một cách thận trọng. UBS vốn đã là ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ và sẽ càng lớn hơn sau khi sáp nhập với ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse.

Khi cổ phiếu của Credit Suisse “rơi tự do” tuần trước, Chính phủ Thụy Sĩ, SNB và Cơ quan giám sát thị trường tài chính (FINMA) đã ủng hộ UBS mua lại đối thủ lớn của mình ngay trước khi thị trường mở cửa trở lại vào ngày 20/3. Phát biểu với báo giới tại trụ sở chính của SNB ở Zurich, Thống đốc SNB Thomas Jordan cho biết phương án này đã giúp tránh được một cuộc khủng hoảng ngân hàng khắp thế giới. Tuy nhiên, ông thừa nhận điều này khiến UBS sẽ trở thành một ngân hàng rất lớn và vấn đề cạnh tranh đặt ra cũng không hề nhỏ. Ông nêu rõ: "Chúng ta phải đảm bảo rằng trong tương lai tại Thụy Sĩ sẽ có đủ sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, vì lợi ích của mọi người, kể cả UBS”. Theo ông Jodan, FINMA và Bộ Tài chính sẽ phải tìm cách giải quyết tình hình, song “điều quan trọng là phải đảm bảo duy trì sự ổn định tài chính trong mọi hoàn cảnh”.

Sau UBS và Credit Suisse, chỉ có Raiffeisen và PostFinance (hai đơn vị dịch vụ tài chính thuộc Bưu điện Thụy Sĩ) được xếp hạng là những ngân hàng quan trọng trong hệ thống ngân hàng trong nước tại Thụy Sĩ, cùng với các ngân hàng cấp bang ở Zurich và Vaud chủ yếu chỉ phục vụ khách hàng trong vùng. Ông Jordan nhấn mạnh ngành ngân hàng Thụy Sĩ đang “khỏe mạnh và có sức chống chịu tốt”.

UBS và Credit Suisse đều nằm trong số 30 ngân hàng trên thế giới "quá lớn để sụp đổ”, do đó được coi là những Ngân hàng Quan trọng trong hệ thống toàn cầu (GSIB). Các ngân hàng này được xếp hạng theo mức độ quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu và phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn, như mức vốn phải dành ra để ứng phó khi xảy ra khủng hoảng. Các quy định nghiêm ngặt nhất hiện đang được áp dụng đối với ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ, song UBS sẽ có thể tăng thứ hạng sau vụ sáp nhập trên. Cơ quan chức năng Thụy Sĩ sẽ phải nghiên cứu cách quản lý một ngân hàng lớn hơn, với những nguy cơ mang tính hệ thống cao hơn.

Bích Liên (TTXVN)
Vụ SVB phá sản: Các ngân hàng Mỹ củng cố thanh khoản
Vụ SVB phá sản: Các ngân hàng Mỹ củng cố thanh khoản

Ngày 22/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết do lo ngại về nguy cơ xảy ra hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, các ngân hàng tại Mỹ đã củng cố thanh khoản để "tự vệ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN