Theo trang tin Euractiv.com ngày 22/6, Cơ quan năng lượng Thụy Điển và Đan Mạch đã đưa ra "cảnh báo sớm" về tình trạng thiếu khí đốt do nguồn cung khí đốt của Nga trên thị trường châu Âu giảm.
Khi Nga giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt cho Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đã ban hành mức cảnh báo thấp nhất trong ba mức cảnh báo của EU, báo hiệu những khó khăn về cung cấp năng lượng.
Martin Hansen thuộc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết: “Đây là một tình huống nghiêm trọng mà chúng tôi đang gặp phải và ngày càng trở nên trầm trọng hơn do nguồn cung từ Nga sang thị trường khí đốt châu Âu bị giảm sút”.
Theo ông Hansen, hầu hết các công ty sử dụng nhiều khí đốt đều có kế hoạch thay thế nguồn năng lượng này, nhưng Cơ quan Năng lượng Đan Mạch sẽ liên hệ lại với các công ty để xem liệu các nhà chức trách có thể làm gì để hỗ trợ họ hay không.
Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng Đan Mạch Dan Jørgensen tuyên bố nếu nước này rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt toàn diện, một kế hoạch dự phòng đã sẵn sàng được kích hoạt để người dân không bị lạnh giá trong suốt mùa Đông.
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho khả năng xảy ra trường hợp khẩn cấp”, Bộ trưởng Jørgensen nói và lưu ý rằng kế hoạch bao gồm việc các công ty tiêu thụ khí đốt lớn nhất có thể sẽ phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần nguồn cung cấp khí đốt trong một thời gian.
Theo ông Jørgensen, vấn đề khí đốt cũng đã trở thành một phần của "cuộc đấu chính trị" giữa EU và Nga. Do đó, Đan Mạch phải chuẩn bị cho hai kịch bản: “Một là Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Hai là, chính EU lựa chọn sẽ không nhập khẩu khí đốt từ Moskva”.
Ông Jørgensen kết luận trong bất kỳ trường hợp nào, Đan Mạch nên chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh rằng mỏ Tyrafelt, nơi sản xuất khí đốt của Đan Mạch trên Biển Bắc, sẽ mở cửa trở lại vào giữa năm 2023.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Thụy Điển cho biết, mặc dù nước này gặp khó khăn nhưng tình hình cung ứng vẫn được bảo đảm: “Các kho dự trữ ở châu Âu, đặc biệt trong phần hệ thống ở Thụy Điển-Đan Mạch đã được bổ sung đầy đủ cho mùa Thu năm nay".