Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngoài Thủ tướng Chan-o-cha, tham dự cuộc họp chiều 30/9 có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Giao thông và người đứng đầu Cục Kiểm soát ô nhiễm.
Trước đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCD) thông báo từ sáng sớm ngày 30/9, 14 khu vực của vùng thủ đô Bangkok mở rộng đã bị bao phủ bởi những đám mây bụi mịn, có kích thước nhỏ hơn 2,5 micrometres (PM2.5) có hại cho sức khỏe. Hầu hết các trạm quan trắc không khí cho thấy mức độ PM2.5 vượt quá ngưỡng 50 microgramme/m3, mức độ nguy hại cho sức khỏe đối với những nhóm dễ bị tổn thương
Đến 17h cùng ngày, mức độ PM2.5 cao nhất ghi nhận được là ở trên tuyến đường Kanchanaphisek thuộc quận Bang Khunthian, với nồng độ 80 microgramme/m³. Số liệu của IQAir AirVisual cho thấy vào thời điểm đó, Bangkok là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, sau đó là Hà Nội và Thành Đô (Trung Quốc).
Thư ký thường trực Bộ Y tế Sukhum Kanchanapimai đã khuyến cáo những người làm việc ngoài trời đeo khẩu trang và uống từ 6-8 cốc nước mỗi ngày vì mức độ PM2.5 đã vượt quá ngưỡng an toàn 50 microgramme/1m3.
Để đối phó với tình trạng này, thủ đô Bangkok đã tiến hành các chiến dịch phun nước ở quận Laksi và các vùng khác nhằm giảm nồng độ PM2.5 ở xung quanh các trường học và những tuyến đường chính.
Theo Tổng Giám đốc PCD Pralong Damrongthai, tình trạng ô nhiễm không khí là do không có gió và lượng mưa thấp trong thời kỳ giao mùa. Mức độ ô nhiễm không khí có thể giảm bớt trong ngày 1/10 do dự báo sẽ có mưa bụi ở Bangkok.