Thử nghiệm vaccine COVID của AstraZeneca có thể không chính xác do lỗi sản xuất

Hãng AstraZeneca và đối tác, Đại học Oxford, vừa thừa nhận có lỗi xảy ra trong khâu sản xuất khiến cho tình nguyện viên nhận được lượng vaccine thấp hơn mức tiêu chuẩn, gây nghi ngờ về kết quả thử nghiệm.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Jenner, Oxford làm việc với vaccine được phát triển bởi AstraZeneca và Đại Oxford. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, công ty dược AstraZeneca và đối tác, Đại học Oxford (Anh) ngày 25/11 (giờ địa phương) thừa nhận một lỗi sản xuất đang dấy lên nghi vấn về các kết quả thử nghiệm sơ bộ của ứng cử viên vaccine COVID-19 do họ phát triển.

Thông báo về lỗi trên được đưa ra vài ngày sau khi AstraZeneca và trường Oxford mô tả những mũi tiêm vaccine của họ có “hiệu quả cao”. Thông báo cũng không đề cập lý do tại sao những người tham gia nghiên cứu không nhận được đủ lượng vaccine ở mũi đầu tiên trong hai mũi tiêm.

Điều ngạc nhiên là nhóm tình nguyện viên được tiêm liều thấp hơn dường như lại được bảo vệ tốt hơn nhiều so với nhóm tình nguyện được dùng hai liều đầy đủ. Ở nhóm liều thấp, AstraZeneca cho biết, loại vaccine này dường như có hiệu quả 90%. Trong khi với nhóm được tiêm đủ hai liều, vaccine dường như chỉ có hiệu quả 62%. Kết hợp lại, các nhà sản xuất cho biết ứng viên vaccine có hiệu quả 70%. Tuy nhiên cách mà công ty thu thập kết quả và công bố đã dẫn đến những nghi vấn từ giới chuyên gia.

Các kết quả sơ bộ được AstraZeneca công bố hôm 23/11 là từ các nghiên cứu lớn đang diễn ra ở Anh và Brazil, nhằm xác định liều lượng vaccine tối ưu, cũng như kiểm tra tính an toàn và hiệu quả. Các tình nguyện viên được so sánh với những người khác được tiêm vaccine viêm màng nào hoặc tiêm nước muối.

Có phải các nhà nghiên cứu đã sử dụng một nửa liều vaccine?

Trước khi bắt đầu nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ giải thích tất cả các bước họ đang thực hiện và cách họ sẽ phân tích kết quả. Bất kỳ sự sai lệch nào từ giao thức đó đều có thể khiến kết quả bị nghi ngờ.

Trong một tuyên bố hôm thứ 25/11, Đại học Oxford cho biết một số lọ vaccine được sử dụng trong cuộc thử nghiệm không có nồng độ vaccine phù hợp nên một số tình nguyện viên đã được tiêm một nửa liều. Trường đại học nói rằng họ đã thảo luận vấn đề này với các cơ quan quản lý, và nhất trí hoàn thành thử nghiệm giai đoạn muộn với hai nhóm. Cũng theo tuyên bố, sự cố sản xuất đã được khắc phục.

Tại sao mũi tiêm đầu, liều nhỏ hơn lại hiệu quả hơn?

Các nhà nghiên cứu của Oxford nói rằng họ không chắc chắn và họ đang làm việc để tìm ra lý do.

Sarah Gilbert, một trong những nhà khoa học tại trường Oxford dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết câu trả lời có lẽ liên quan đến việc cung cấp chính xác lượng vaccine để kích hoạt phản ứng miễn dịch tốt nhất. “Tôi nghĩ đó là lượng Goldilocks mà bạn muốn, không quá ít và cũng không quá nhiều. Quá nhiều cũng có thể đưa đến một phản hồi kém chất lượng”, bà Sarah nói. “Vì vậy, bạn chỉ muốn một lượng phù hợp và nếu bạn đang cố gắng đi nhanh để có được lần đầu tiên hoàn hảo đó thì có thể khá ảnh hưởng”.

Các chuyên gia cho biết do chỉ có số lượng tương đối nhỏ những người trong nhóm dùng liều thấp nên rất khó để biết liệu hiệu quả thấy được trong nhóm là thật hay là một sự sai lệch thống kê. Khoảng 2.741 người đã nhận được một nửa liều vaccine, sau đó là một liều đầy đủ, AstraZeneca cho biết. Tổng cộng có 8.895 người được tiêm đủ hai liều.

Một yếu tố khác: không ai trong số những người trong nhóm dùng liều thấp trên 55 tuổi. Những người trẻ tuổi có xu hướng đáp ứng miễn dịch mạnh hơn những người lớn tuổi, vì vậy có thể độ tuổi trẻ của những người tham gia vào nhóm dùng liều thấp là lý do tại sao nó dường như hiệu quả hơn chứ không phải do liều lượng.

Những bước đi tiếp theo là gì?

Chi tiết về kết quả thử nghiệm của AstraZeneca sẽ được công bố trên các tạp chí y khoa và được cung cấp cho các cơ quan quản lý của Anh để họ có thể quyết định cho phép phân phối vaccin hay không. Các báo cáo đó sẽ bao gồm một bảng phân tích chi tiết gồm thông tin nhân khẩu học và các thông tin khác về những người bị bệnh trong mỗi nhóm, đồng thời cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về hiệu quả của vaccine.

Moncef Slaoui, người đứng đầu chương trình vắc xin COVID-19 của Mỹ, Operation Warp Speed, cho biết hôm thứ 24/11, các quan chức Mỹ cũng đang cố gắng xác định phản ứng miễn dịch mà vaccine tạo ra và có thể quyết định sửa đổi nghiên cứu AstraZeneca ở Mỹ, thành dùng một nửa liều lượng.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 25/11: Nhiều nước đặt mua vaccine; Malaysia vượt Singapore về ca bệnh
COVID-19 tại ASEAN hết 25/11: Nhiều nước đặt mua vaccine; Malaysia vượt Singapore về ca bệnh

Trong ngày 25/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 9.053 ca mắc COVID-19 so với ngày trước đó, trong khi tổng số ca tử vong tiếp tục tăng mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN