Mặc dù có nhiều cơn dông và gió, song bang California không ghi nhận trận mưa nào trong ngày 3/8. Mức nhiệt 38 độ C và các trận gió với vận tốc 40 km/h tại một số nơi khiến lực lượng cứu hỏa gặp khó khăn trong kiểm soát đám cháy Park - đang hoành hành khu vực cách thủ phủ Sacramento 161 km về phía Bắc.
Kể từ khi lửa bùng lên cách đây 11 ngày, hỏa hoạn đã thiêu trụi 560 ngôi nhà và công trình, 162.200 ha đất - một diện tích lớn hơn cả thành phố Los Angeles. Trên 4.000 người đã phải sơ tán.
Nguyên nhân hỏa hoạn là do một người đàn ông đốt phá ô tô tại khe núi gần Chico.
Tính đến ngày 3/8, lực lượng cứu hỏa mới kiểm soát được 27% đám cháy. Địa hình khó khăn khiến các nhân viên phải mất 2 - 3 giờ mới tiếp cận được đám cháy. Với sức tàn phá ngày càng lớn, đám cháy Park đã trở thành đám cháy lớn thứ 4 trong lịch sử bang California.
Hỏa hoạn nghiêm trọng ngay từ đầu mùa cháy rừng của Mỹ đã làm tăng nguy cơ thiếu nguồn lực để ứng phó. Trung tâm hỏa hoạn liên ngành quốc gia đã đề nghị Australia và New Zealand hỗ trợ nhân lực. Dự kiến nhóm cứu hỏa của hai quốc gia này sẽ có mặt vào ngày 7/8 và được huy động đến Oregon và Washington.
* Tại Canada, tỉnh British Columbia đang báo động nguy cơ lũ lụt dọc theo bờ sông Chilcotin, sau khi lở đất tạo ra một đập nước tự nhiên và khiến nhà chức trách phải sơ tán người dân.
Theo người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp tỉnh British Columbia, trong tình huống xấu nhất, các dòng chảy của sông Chilcotin sẽ vượt mức đỉnh trong mùa xuân. Nhà chức trách đang theo dõi sát tình hình để sẵn sàng bảo vệ người dân khỏi nguy cơ lũ lụt.
Khu vực lở đất dài 1 km, rộng 800m, sâu 30m và mực nước phía sau khu vực lở đất đang dâng lên với tốc độ 22 cm/giờ. Vào ngày 26/7, chính quyền tỉnh British Columbia đã ban bố cảnh báo khẩn cấp để sơ tán người khỏi khu vực sông Chilcotin, cũng như dọc theo bờ sông từ cầu Hanceville đến sông Fraser. Theo nhà chức trách, lở đất cũng có thể ảnh hưởng đến cá hồi và một số loài cá khác do các loài này thường di cư vào mùa hè và đầu thu.