Phóng viên Deniz Yucel, người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc liên quan đến tổ chức khủng bố. Ảnh: AFP |
Chỉ trích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào việc nhà chức trách Đức liên tiếp cản trở các cuộc tuần hành chính trị ở nước này nhằm kêu gọi sự ủng hộ của 1,5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức trước cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp mà ông Erdogan đề xuất.
Tổng thống Erdogan thậm chí còn có động thái thách thức Berlin khi tuyên bố rằng nếu muốn ông sẽ đích thân đến Đức để kêu gọi sự ủng hộ của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức đối với những thay đổi hiến pháp nhằm trao quyền lớn hơn đối với tổng thống. Ông Erdogan đưa ra những lời lẽ công kích trên chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim có cuộc điện đàm nhằm tháo gỡ những căng thẳng hiện nay giữa hai nước.
Sau tuyên bố của Tổng thống Erdogan, giới chính trị gia Đức đã có những phản ứng hết sức giận dữ, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không có động thái xin lỗi. Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas đã gọi tuyên bố của ông Erdogan là "lố bịch, hổ thẹn và kỳ quặc".
Tuy nhiên, ông Maas phản đối việc cấm Tổng thống Erdogan thăm Đức hoặc Berlin cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ bởi điều này có thể dẫn đến khả năng không mong đợi, đó là "Ankara chuyển hướng sang quan hệ với Moskva".
Quan hệ giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này trở nên xấu đi nghiêm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một phóng viên mang hai quốc tịch Đức và Thổ tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù. Sau sự việc trên, dư luận tại Đức đã dấy lên yêu cầu mạnh mẽ đòi Thủ tướng Đức Merkel cần có phản ứng mạnh mẽ đáp trả những tuyên bố và hành động của Tổng thống Erdogan.
Theo cuộc thăm dò dư luận gần đây do tờ báo "Bild am Sonntag" (Hình ảnh Chủ Nhật) của Đức thực hiện, 81% số người được hỏi cho rằng Chính phủ của bà Merkel đã quá dễ dãi đối với Ankara. Theo một thỏa thuận ký năm 2016, Đức cần sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư tràn vào châu Âu.
Trong khi đó, dư luận tại một số nước châu Âu cũng đã lên tiếng ủng hộ chính quyền Đức, đồng thời phản đối các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Áo Christian Kern đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cấm tất cả các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động vận động chính trị trong EU nhằm giúp các nước thành viên khác tránh phải chịu áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ như trường hợp như của Đức. Cũng trong ngày 5/3, chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của Hà Lan Geert Wilders đã gọi Tổng thống Erdogan là "kẻ phát xít Hồi giáo" và tuyên bố sẽ "không hoan nghênh toàn bộ nội các Thổ Nhĩ Kỳ".