Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lại trên các đường phố ở Istanbul sau vụ đảo chính. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước đám đông ủng hộ sau khi tham dự lễ tang các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính, ông Erdogan cho rằng không thể trì hoãn việc tái sử dụng hình phạt tử hình bởi theo ông những kẻ tiến hành đảo chính phải trả giá cho hành động này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984.
Cùng ngày, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng an ninh nước này đã đụng độ với một số kẻ âm mưu đảo chính tại sân bay Sabiha Gokcen ở thành phố Istanbul và căn cứ không quân Konya ở miền trung nước này.
Theo quan chức trên, lực lượng an ninh đã nổ súng cảnh cáo gần sân bay Sabiha Gokcen song những kẻ âm mưu đảo chính không bắn trả. Một số vụ bắt giữ đã được thực hiện. Ngoài ra, một số vụ đụng độ đã xảy ra tại căn cứ không quân Konya. Tuy nhiên, theo vị quan chức này, hiện tình hình đã trong tầm kiểm soát của chính quyền.
Ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số người thiệt mạng trong vụ đảo chính bất thành vừa qua tại nước này đã lên đến hơn 290 người, ngoài ra còn có hơn 1.400 người khác bị thương. Theo bộ trên, trong số những người thiệt mạng có hơn 100 người đã tham gia đảo chính. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cuộc đảo chính trên chắc chắn được thực hiện bởi những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen.
Ông Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, đã phủ nhận việc dính líu đến cuộc đảo chính trên và ông coi đây là một sự sỉ nhục đối với nền dân chủ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề nghị chính quyền Washington dẫn độ giáo sĩ này về Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Ankara cần phải cung cấp bằng chứng và cơ sở pháp lý rõ ràng về việc dẫn độ Giáo sĩ Gulen.