Thiếu nước đe dọa trực tiếp tới việc làm và tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ tới sẽ bị hạn chế bởi tình trạng thiếu nước hoặc khan hiếm nước.

Tình trạng thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến việc làm và tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Ngày 22/3, Liên hợp quốc (LHQ) công bố báo cáo mới chỉ ra mức độ ảnh hưởng của tình trạng thiếu nước đối với việc làm và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó đặc biệt nêu rõ 3/4 số lượng việc làm trên toàn thế giới phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn nước. Hay nói cách khác, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ tới sẽ bị hạn chế bởi tình trạng thiếu nước hoặc khan hiếm nước.


Báo cáo "Phát triển nguồn nước thế giới năm 2016" của LHQ nêu rõ khoảng 1,5 triệu người (tương đương 50% lao động thế giới) làm việc trong các lĩnh vực phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn nước trong đó phải kể đến nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp. Richard Connor, người chịu trách nhiệm biên tập báo cáo, khẳng định tình trạng việc làm trên thế giới sẽ chịu tác động trực tiếp nếu nguồn cung cấp nước bị gián đoạn vì những lý do tự nhiên như hạn hán hay vì những vấn đề về sơ sở hạ tầng.


Báo cáo chỉ rõ việc chỉ đầu tư vào các dự án nước sạch và hệ thống tưới tiêu cơ bản quy mô nhỏ ở châu Phi có thể mang lại những lợi ích có giá trị tương đương với gần 5% tổng sản lượng kinh tế toàn châu lục. Hay như ở Mỹ, trung bình 1 triệu USD đầu tư cho nguồn cung cấp nước và hệ thống xử lý nước sẽ tạo thêm từ 10 đến 20 việc làm. Điều này cho thấy đầu tư cho việc cấp nước và xử lý nước không chỉ giúp cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu mà còn tạo ra nhiều tác động khác như tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Ngược lại, việc phải chi trả rất nhiều tiền để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ở các quốc gia đang phát triển cho thấy những ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm và những lựa chọn kinh tế của người dân. Ví dụ, tại Papua New Guinea, hiện người dân đang phải chi hơn một nửa số tiền kiếm được hàng ngày mới đủ để mua được 50 lít nước, lượng nước mà WHO khuyến cáo là đủ cho nhu cầu hàng ngày nhằm duy trì sức khỏe và vệ sinh.


Trong khi tại các quốc gia phát triển như Anh, người dân chỉ cần chi 0,1% số tiền kiếm ra hàng ngày là đủ để mua lượng nước này. Như vậy, tại các quốc gia đang phát triển, các hoạt động trao đổi mua bán khác có thể sinh lời và thúc đẩy kinh tế phát triển sẽ bị co hẹp lại vì người dân phải dành quá nhiều tiền cho việc mua nước sinh hoạt trong khi ở các quốc gia phát triển thì ngược lại.


Cũng theo LHQ, tới năm 2050, khi dân số thế giới tăng lên hơn 9 tỷ người, nhu cầu nước cũng sẽ tăng thêm. Bên cạnh đó, nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng cũng gia tăng áp lực lên nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp, một trong những ngành tiêu thụ nhiều nước nhất cho tới nay. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng lên và kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khiến cho ít nhất ¼ dân số thế giới sẽ phải sống trong tình trạng thường xuyên thiếu nước sạch hoặc thiếu nước luân phiên.


Chính vì vậy, việc dự trữ nước mưa và tái chế nước thải trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. LHQ cũng cảnh báo, hiện nay, các dự án đầu tư cho nước sạch mới chỉ dừng lại ở mức độ hẹp, đầu tư cho các hệ thống bơm và ống dẫn chứ chưa có tầm nhìn rộng, chưa tính đến vai trò thiết yếu của nước trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững như một trong những mục tiêu phát triển toàn cầu. Ngoài ra, các quốc gia cần chú trọng đầu tư hơn nữa cho hệ thống năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió để giảm phụ thuộc vào nguồn nước cũng như giảm nhu cầu nước trong tương lai.


TTXVN/Tin Tức
Thiếu nước sạch, người dân Kon Tum đổ bệnh đường ruột
Thiếu nước sạch, người dân Kon Tum đổ bệnh đường ruột

Hàng chục người dân ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) bị bệnh đường ruột (tiêu chảy) trong vòng một tháng qua, nguyên nhân chính là do khô hạn, phải dùng nước sông suối không hợp vệ sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN