Giáo sư Hugo Pizzi tại Đại học Córdoba (Argentina) đã dùng cụm từ “thuyết phục và đáng khích lệ” khi nhắc đến kết quả nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm ở Rome (Italy) về hiệu quả của vaccine Sputnik V và Pfizer. Nghiên cứu kết luận Sputnik V có hiệu quả vượt trội gấp 2,1 lần so với Pfizer trong phòng chống biến thể Omicrcon.
Giáo sư Pizzi nhận xét: “Tại Đại học Córdoba, chúng tôi xác nhận mức hiệu quả cao của vaccine Sputnik V đối với một số biến thể khác như Delta do vậy việc vaccine này hiệu quả trong phòng chống Omicron như kết quả nghiên cứu đã phản ánh, không phải là điều bất ngờ đối với tôi”.
Theo chuyên gia vaccine hàng đầu của Mỹ, giáo sư Hildegund Ertl “kháng nguyên từ vaccine vector duy trì lâu hơn rất nhiều so với vaccine công nghệ mRNA”. Ông cho biết kháng thể trước virus ban đầu vẫn ổn định trong vòng 6 tháng sau khi một người tiêm vaccine Sputnik V. Trong khi đó, theo dữ liệu Pfizer đệ trình lên Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm (FDA) Mỹ vào năm 2021, khả năng bảo vệ của vaccine này sẽ giảm 43% sau 6 tháng tiêm mũi thứ hai.
Nhà nghiên cứu người Pháp Cecil Czerkinsky ghi nhận kết quả nghiên cứu và đánh giá nó cho thấy “vaccine vector Sputnik V có khả năng tạo kháng thể vô hiệu không chỉ biến thể Delta mà còn có cả Omicron nếu được sử dụng làm vaccine tăng cường độc lập hoặc vaccine tăng cường phối hợp với vaccine mRNA”.
Vaccine Sputnik Light đã được thông qua tại hơn 30 quốc gia. Sputnik Light còn được sử dụng làm vaccine bổ sung cho những loại vaccine khác. Trong khi đó, có 71 quốc gia với tổng cộng 4 tỷ người dân đã thông qua Sputnik V.
Không giống như Pfizer hoặc Moderna là vaccine mRNA, cả Sputnik V cùng Sputnik Light đều là vaccine vector vốn là công nghệ đã tồn tại trong 3 thập niên. Sputnik V cùng Sputnik Light đều có thể bảo quản trong nhiệt độ 2-8 độ C và không đòi hỏi cơ sở hạ tầng trữ lạnh và phân phối đặc biệt như Pfizer.