Ngày 19/3, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo ghi nhận thêm 209 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không quả khỏi do mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên 767 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm virus SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19 cũng tăng 25% so với một ngày trước đó lên 17.147 ca.
Tây Ban Nha hiện là quốc gia thứ 2 bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu sau Italy. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi tất cả người dân đoàn kết trong "cuộc chiến" khiến nước này phải phải "thu hẹp lại" nền kinh tế.
Cùng ngày, vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh cũng thông báo ca tử vong đầu tiên do COVID-19.
Iran, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông, cũng ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới tăng cao.
Trao đổi với báo giới ngày 19/3, Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi thông báo số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Hồi giáo này đã lên tới 1.284 người, trong khi tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 18.407 người. Theo Thứ trưởng Raisi, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 149 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm mới kể từ ngày 18/3 là 1.046 trường hợp.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur, trung bình cứ mỗi 10 phút lại có 1 người tử vong do COVID-19 và cứ mỗi 1 giờ lại có 50 người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Hồi giáo này. Chính phủ Iran đã quyết định đóng cửa tất cả trường học và trường đại học, cũng như cấm các sự kiện thể thao, văn hóa và tôn giáo tụ tập đông người.
Cũng trong ngày 19/3, Bộ Y tế Nhật Bản và các chính quyền địa phương thông báo tính tới 18h30' tối 18/3 theo giờ địa phương, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 936 ca, trong khi số ca tử vong là 39 ca. Trong số các nhiễm trên có 157 ca ở Hokkaido, tiếp theo là Aichi (130 ca), Osaka (117 ca), Tokyo (111 ca), Hyogo (92 ca) và Kanagawa (64 ca). Theo bộ trên, hiện có 61 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch phải thở máy và chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, tổng cộng 766 người đã được xuất viện.