Cùng với sự lây lan của biến thể Delta, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng cao.
Tại Đông Nam Á, dù đã thoát khỏi tình cảnh "tăm tối" trong các làn sóng dịch bùng phát hồi năm ngoái, song khu vực hiện chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao chưa từng thấy, buộc các nước phải siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 9.180 ca mắc COVID-19 mới - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Đây là lần thứ hai số ca nhiễm mới trong ngày ở Malaysia vượt mức 9.000 ca/ngày, sau lần tăng lên 9.020 ca mắc vào ngày 29/5.
Indonesia cũng ghi nhận thêm 38.124 ca nhiễm và 871 ca tử vong do COVID-19. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhà chức trách Indonesia cho biết sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp tại 15 thành phố bên ngoài đảo Java và Bali.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 5.881 ca nhiễm mới và 70 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 1.461.455 và 25.720. Trong một động thái mới nhất, Chính phủ Philippines cho phép trẻ em từ 5 tuổi trở lên được ra khỏi nhà ở vùng đô thị Manila và những khu vực khác đang nằm trong diện áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức độ vừa phải. Cụ thể, trẻ em ở nhóm tuổi này sẽ được đến công viên, khu vui chơi, các địa điểm du lịch ngoài trời, trung tâm thể thao ngoài trời không tiếp xúc và ăn uống ngoài trời cùng bố mẹ và người giám hộ, song chưa được đến các trung tâm thương mại và nên đeo khẩu trang cũng như giữ khoảng cách an toàn khi đi ra ngoài.
Trong bối cảnh số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 9.276 ca, trong đó có 8.998 ca ghi nhận trong cộng đồng, Chính phủ Thái Lan đã quyết định triển khai các biện pháp hạn chế mới nghiêm ngặt hơn tại vùng thủ đô Bangkok mở rộng và 4 tỉnh miền Nam. Như vậy, kể từ ngày 12/7, các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, hiệu thuốc, ngân hàng và cửa hàng điện thoại di động. Các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và các điểm bán đồ uống không cồn chỉ được bán đồ mang đi và phải đóng cửa từ 20h00 tối hôm trước đến 4h00 sáng hôm sau. Việc tụ tập nhiều từ 5 người trở lên sẽ bị cấm, trừ những sự kiện tôn giáo. Phương tiện giao thông công cộng sẽ ngừng hoạt động từ 21h00 tối đến 3h00 sáng hôm sau. Các công viên công cộng sẽ vẫn mở cửa đến 20h00, nhưng các tiệm làm đẹp và spa sẽ đóng cửa. Tất cả các lớp học sẽ được dạy trực tuyến.
Tại Campuchia, nước này đã ghi nhận thêm 988 ca mắc mới và 30 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại đây lên lần lượt là 59.045 và 855. Trong hai tuần trở lại đây, số ca mắc mới mỗi ngày ở Campuchia luôn tăng trung bình khoảng 1.000 ca, cùng với đó là số ca tử vong luôn ở mức cao.
Dù ghi nhận 68 ca mắc mới, trong đó có 67 ca nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, song nhà chức trách Lào vẫn cảnh báo nước này vẫn có nguy cơ bùng phát dịch lớn do sự gia tăng các ca mắc mới ở các nước láng giềng; đặc biệt, ngày càng có nhiều lao động Lào ở Thái Lan muốn về nước và có thể mang theo virus SARS-CoV-2. Theo chính quyền tỉnh Champasak (Lào), các bệnh viện ở tỉnh này đang quá tải người mắc COVID-19 do số người lao động Lào trở về từ Thái Lan tăng đột biến và mang theo virus gây bệnh. Do đó, chính quyền các địa phương ở Lào đã tăng cường hoạt động giám sát biên giới để ngăn chặn hành vi nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này, đồng thời tiếp tục vận động người dân trở về theo đường chính ngạch ở các cửa khẩu quốc tế.
Bộ Y tế Myanmar cũng thông báo áp đặt trở lại việc đóng cửa các trường đào tạo cơ bản, trong đó có cả các trường tư nhân và các tu viện Phật giáo, từ ngày 9 - 23/7. Biện pháp này vừa được dỡ bỏ hồi tháng trước. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Myanmar ghi nhận 4.132 ca mắc mới và 51 ca tử vong.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã quyết định nâng các biện pháp hạn chế tại thủ đô Seoul lên mức cao nhất, từ ngày 12/7, sau khi nước này ghi nhận thêm 1.316 ca mắc mới, trong đó 1.236 ca lây nhiễm trong nước. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi Hàn Quốc thông báo ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20/1/2020.
Tình hình dịch bệnh tại Iraq cũng đang trở nên nghiêm trọng, với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức 9.189 - mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát ở nước này. Giới chức y tế Iraq cho rằng việc người dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch và chần chừ đi tiêm vaccine là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng mạnh.
Tại châu Âu, Pháp đang lo ngại làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo biến thể Delta có thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới ở nước này từ cuối tuần này trở đi. Hiện biến thể Delta chiếm gần 50% số các ca mắc mới.
Cùng ngày, Nga thông báo có thêm 25.766 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 2/1 trong bối cảnh giới chức đang nỗ lực kiểm soát số ca bệnh gia tăng do biến thể Delta gây ra. Với 726 ca tử vong, tổng số ca tử vong ở nước này lên 141.501 ca, trong tổng số 5.733.218 ca mắc COVID-19. Trong khi đó, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới lên tới 35.707 ca và thêm 29 trường hợp tử vong.
Trước tình hình trên, Hà Lan tái áp đặt các biện pháp phòng dịch tại các câu lạc bộ khiêu vũ, lễ hội âm nhạc từ ngày 9/7 nhằm ứng phó làn sóng dịch COVID-19 gia tăng ở nhóm người trưởng thành trẻ tuổi. Trước đó, ngày 26/6, Hà Lan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm và có khoảng 2/3 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh châu Phi vừa trải qua tuần tàn khốc của đại dịch COVID-19, song cảnh báo đây chưa phải là tình hình tồi tệ nhất, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 3 đang lan rộng tại châu lục này. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi, Giáo sư Matshidiso Moeti, nêu rõ tình hình dịch bệnh tại châu Phi đang diễn biến phức tạp hơn, theo đó cứ 18 ngày số ca mắc mới tăng gấp đôi, so với 21 ngày chỉ một tuần trước đây, và sự gia tăng này sẽ tiếp diễn trong nhiều tuần tới. Hiện tại 16 quốc gia ở châu Phi đang chứng kiến số ca mắc mới tăng, trong đó 10 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục 26.000 ca vào cuối tuần trước.
Liên quan đến vấn đề vaccine, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và hãng BioNTech (Đức) thông báo sẽ xin cấp phép cho tiêm mũi thứ ba loại vaccine phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp sản xuất. Dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy việc tiêm mũi thứ ba nâng cao mức kháng thể lên 5-10 lần chống lại chủng gốc ban đầu và biến thể Beta, so với khi chỉ tiêm hai mũi đầu tiên.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết những người dân đã tiêm đủ liều chưa cần tiêm mũi bổ sung vào thời điểm hiện tại. Thông báo của hai cơ quan trên nhấn mạnh nhà chức trách đã chuẩn bị cung ứng mũi tiêm bổ sung khi có bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêm mũi bổ sung là cần thiết.