Thế giới tuần qua: Syria lại 'nóng', Mỹ 'căng' vì thương mại

Trong tuần qua, "chảo lửa" Syria lại trở thành cái tên nổi bật trên phương tiện truyền thông với nhiều diễn biến mới đáng quan tâm. Trong khi đó, Mỹ liên tục có nhiều động thái "giật gân" về thương mại liên quan đến WTO, NAFTA, Trung Quốc và Nga.

Nguy cơ chiến sự "nóng" tại Syria

Trong tuần qua, theo truyền thông khu vực, quân đội Syria đã tiếp tục huy động lực lượng tập kết áp sát tỉnh Idlib, nằm ở phía tây bắc đất nước, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng thành trì quan trọng cuối cùng của phiến quân. Chiến dịch tấn công Idlib được dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 9 này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 29/8 khẳng định chiến dịch của quân đội Syria chống khủng bố đang chiếm giữ tỉnh Idlib là cần thiết và Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ điều này. Ông Lavrov cảnh báo Mỹ và các đồng minh phương Tây không can thiệp vào chiến dịch chống khủng bố tại Idlib. 

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem ngày 30/8 tuyên bố: “Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối giải quyết khủng hoảng Syria và giải phóng toàn bộ lãnh thổ khỏi khủng bố. Tôi đảm bảo rằng chúng tôi không hề có vũ khí hóa học đồng thời không có khả năng để sử dụng chúng”.

Chú thích ảnh
Tòa nhà đổ nát tại khu vực do phiến quân kiểm soát ở Idlib. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, chiến dịch tấn công vào Idlib, nơi còn khoảng 3 triệu thường dân đang mắc kẹt cũng đặt ra nguy cơ lớn khủng hoảng nhân đạo. Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, cuộc đàm phán thành lập hành lang nhân đạo cho người dân Idlib đang được tiến hành. Liên hợp quốc ngày 30/8 cũng đề nghị thành lập hành lang nhân đạo để đưa người dân thường Idlib tới khu vực do chính phủ Syria kiểm soát.

Chú thích ảnh
Lực lượng quân đội Syria đã giành lại được nhiều phần lãnh thổ từ tay lực lượng nổi dậy. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/8 cho biết tổ chức White Helmets (Mũ bảo hiểm trắng) đã hỗ trợ vận chuyển chất độc hóa học tới tay phiến quân ở tỉnh Idlib nhằm dựng lên màn kịch đổ tội cho chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Gần đây, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng Mỹ lên kế hoạch dựng một cuộc tấn công vũ khí hóa học tại Syria nhằm lấy cớ tấn công vào lực lượng chính phủ của Tổng thống Bashar Assad. Nga dẫn chứng việc Mỹ điều tàu USS Ross chở theo 28 tên lửa hành trình Tomahawk tới Địa Trung Hải cũng như diễn biến các chiến hạm Mỹ hướng tới Vịnh Ba Tư và Qatar là dấu hiệu cho thấy Washington đã chuẩn bị sẵn sàng tấn công.

Ngày 1/9, hãng Spunik (Nga) đưa tin tàu ngầm USS Newport News của Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đã đi vào cảng Gibraltar, cửa ngõ tới Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Mỹ trong khi đó cho biết tàu USS Newport News đến cảng Gibraltar theo “lịch trình hậu cần”.

Theo CNN, những cơ sở tại Syria được cho liên quan tới quá trình sản xuất vũ khí hóa học có thể là mục tiêu tấn công hàng đầu nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Damascus sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân thường.

Tuần "bận rộn" về thương mại của Mỹ

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg được đăng ngày 31/8, Tổng thống Donald Trump đã cảnh cáo có thể rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tổ chức này không đối xử tốt hơn với Washington.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, Tổng thống Trump cho biết ông dự định hiện thực hóa kế hoạch áp đặt mức thuế mới lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Washington đã đệ đơn khiếu nại Moskva lên WTO vì Nga đã tăng thuế lên nhiều hàng hóa của Mỹ. Về phần mình, Nga khẳng định các mức thuế này nằm trong khung thỏa thuận của WTO về biện pháp bảo vệ đặc biệt, đền bù cho những tổn hại do quốc gia khác gây ra và ở đây là Mỹ. Moskva cho biết trước đó Mỹ đã áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Nga gây thiệt hại ước tính 537,6 triệu USD/năm.

Chú thích ảnh
Cả Mỹ, Mexico và Canada đều từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của NAFTA. Ảnh: Reuters

Ngày 27/8, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ và Mexico đã đạt được một thỏa thuận thương mại mới, “mở đường” cho khả năng sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông Trump đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico sẽ thay thế NAFTA.

Sau thông báo về thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico, vào cuối tuần này, Canada đã dự đàm phán thương mại với Mỹ. Ngày 31/8, đàm phán thương mại Mỹ-Canada kết thúc không kèm theo kết quả đặc biệt nào về NAFTA. Tổng thống Trump lúc này đánh tiếng với quốc hội rằng ông chỉ định ký kết thỏa thuận thương mại song phương với Mexico.

Trước đó, hôm 5/9, các quan chức thương mại Mỹ và Mexico dự kiến nối lại đàm phán với mục tiêu đạt được thỏa thuận trong đó có chữ ký của cả 3 quốc gia Mỹ, Mexico, Canada.

Theo NAFTA, hầu hết các rào cản thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng NAFTA lại khuyến khích các nhà sản xuất Mỹ chuyển đến phía Nam để khai thác nhân công giá rẻ tại Mexico khiến người lao động trong nước mất việc làm. Ngoài ra, ông Trump từ lâu đã thể hiện không hài lòng với mức thuế Canada áp lên các sản phẩm làm từ sữa và cho rằng điều này gây tổn hại cho nông dân Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Thế giới Tuần qua: Mỹ-Trung đẩy cuộc chiến thương mại lên nấc thang mới
Thế giới Tuần qua: Mỹ-Trung đẩy cuộc chiến thương mại lên nấc thang mới

Cuộc đàm phán thương mại kéo dài hai ngày giữa đoàn đại biểu Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vào này 23/8 với kết quả không mấy sáng sủa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN