Cả 2 phía không chịu “nhịn”Thủ hiến Carles Puigdemont ngày 19/10 nhấn mạnh nếu Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy duy trì ngăn chặn đối thoại và tiếp tục đi theo con đường nhằm tước quyền tự trị của Catalonia, thì chính quyền khu tự trị này sẽ tuyên bố độc lập.
Cảnh sát gác tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, trong ngày 10/10, Thủ hiến Puigdemont tuyên bố độc lập cho Catalonia trong vòng 8 giây sau đó chấm dứt động thái này để tạo điều kiện cho đối thoại với Madrid. Về phần Thủ tướng Tây Ban Nha, ông đưa ra tối hậu thư cho Thủ hiến Puigdemont hạn đến ngày 16/10 phải làm rõ lập trường.
Đến ngày 16/10, Thủ hiến Puigdemont không từ bỏ quan điểm mà đề nghị tổ chức đối thoại trong vòng 2 tháng với Madrid. Phía chính phủ Tây Ban Nha vẫn cứng rắn, chỉ chấp nhận kéo dài thời hạn cho tối hậu thư đến ngày 19/10 đồng thời đe dọa kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp nước này, tước quyền tự trị của Catalonia.
Theo đài BBC (Anh), Điều 155 trong Hiến pháp cho phép Chính phủ Tây Ban Nha kiểm soát trực tiếp trong trường hợp có khủng hoảng. Được biết điều 155 chưa từng được kích hoạt kể từ khi Hiến pháp Tây Ban Nha được phê chuẩn năm 1978.
Năm 1979, Quy chế về quyền tự trị của Catalonia được ban hành, và khu vực này được sở hữu nghị viện riêng. Catalonia là một trong 17 khu vực tự trị tại Tây Ban Nha có lực lượng cảnh sát riêng và nắm quyền quản lý các lĩnh vực như giáo dục, phúc lợi, y tế. |
Diễn biến qua lại trong ngày 19/10 đã nới rộng thêm mâu thuẫn giữa Madrid và Barcelona liên quan đến Catalonia kể từ cuộc trưng cầu ý dân ngày 1/10 mà chính phủ Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp. Trong tổng số 43% người dân Catalonia đi bỏ phiếu, có tới 90% ủng hộ việc khu vực này được độc lập.
Con dao hai lưỡiVào ngày 21/10, danh sách các biện pháp ngằm ngăn chặn Catalonia tuyên bố độc lập được xem xét trong cuộc họp nội các chính phủ Tây Ban Nha. Theo truyền thông, nằm trong số các biện pháp này có thể là việc chính phủ nắm quyền quản lý lực lượng cảnh sát của Catalonia.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết chính phủ đương nhiệm của Tây Ban Nha đã nhận được ủng hộ từ đảng đối lập với đề xuất giải tán chính quyền Catalonia và tổ chức cuộc bầu cử mới tại khu tự trị này trong tháng 1/2018.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng động thái này chưa đủ sức mạnh vạch ra được con đường thoát khỏi khủng hoảng liên quan tới Catalonia.
Thủ hiến Puigdemont cam kết rằng nếu Điều 155 được kích hoạt, chính quyền Catalonia sẽ tổ chức bỏ phiếu về độc lập. BBC đánh giá rằng trong trường hợp điều này trở thành sự thật, lực lượng ủng hộ độc lập Catalonia có khả năng xếp cuộc bỏ phiếu này vào hình thức bầu cử của một hội đồng lập hiến thành lập nước cộng hòa mới.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk thừa nhận EU và quốc tế không thể can thiệp vào cuộc
khủng hoảng tại Catalonia. Bên cạnh đó, ông Tusk khẳng định “tình hình tại Tây Ban Nha rất đáng lo ngại”. Còn Thủ tướng Anh Theresa May vào ngày 20/10 bày tỏ ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha và nhận xét “người dân nên tuân thủ luật lệ và giữ vững tinh thần hiến pháp Tây Ban Nha”.