Hiện còn 17,91 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực chiếm 0,6%.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 13.612.116 triệu ca và 272.269 ca. Đáng lo ngại, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại nước này còn ở mức cao nhất từ trước tới nay, với 205.557 trường hợp. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.406.995 ca mắc COVID-19 và 136.878 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 6.290.272 ca mắc và 172.637 ca tử vong.
Tại Mỹ, trước tình hình số ca mắc COVID-19 tuần qua tăng mạnh ở thành phố San Francisco, thuộc bang California, với trung bình 130 ca/ngày, cao gần gấp đôi so với tuần đầu tiên của tháng 11 này, chính quyền bang California đã nâng cấp độ cảnh báo dịch bệnh từ màu đỏ lên mức cao nhất - màu tím đối với thành phố San Francisco.
Theo đó, nhà chức trách yêu cầu từ trưa 29/11 (giờ địa phương) dừng nhiều hoạt động trong nhà cũng như đóng cửa một số địa điểm công cộng trong nhà như bảo tàng, rạp chiếu phim, phòng tập và địa điểm tôn giáo. Bên cạnh đó, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 22h tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, yêu cầu người dân ở trong nhà trừ những hoạt động thiết yếu.
Tình hình dịch bệnh tại châu Á, đặc biệt là tại một số nước Đông Nam Á, diễn biến phức tạp. Trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 6.267 trường hợp mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay.
Đây là ngày thứ ba trong vòng 1 tuần, số ca nhiễm mới ở quốc gia Đông Nam Á này lên mức cao chưa từng thấy. Với tổng cộng 534.266 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 16.815 trường hợp không qua khỏi, Indonesia là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Phillippines, số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên vượt mốc 2.000 ca sau 19 ngày liên tiếp, lên 2.076 người. Theo kế hoạch, ngày 30/11, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte sẽ thông báo việc chính phủ sẽ giữ nguyên hay nới lỏng các biên pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại thủ đô Manila và các khu vực khác.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận 7 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 người là thành viên gia đình một phụ nữ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và đã đi mua sắm ở siêu thị Aeon Mall 1 ngày 28/11. Trường hợp nữ bệnh nhân trên là người Mỹ gốc Campuchia, trở về nước ngày 27/11 sau khi quá cảnh Hàn Quốc trên chuyến bay có 57 hành khách.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận 1 ca mắc COVID-19 trong ngày là vợ của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Nội vụ. Đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại nước này. Chính phủ Campuchia quyết định đóng cửa tạm thời siêu thị Aeon Mall 1 ở thủ đô Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia cũng đang triển khai các biện pháp để tìm kiếm những người đã tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân tại siêu thị Aeon Mall 1.
Nhà chức trách cũng đã quyết định đóng cửa Khách sạn Phnom Penh ở thủ đô Campuchia trong hai ngày sau khi phát hiện những bệnh nhân lây nhiễm COVID-19 mới đây đã từng sử dụng các cơ sở phòng tập gym và bể bơi tại đây ngày 23/11 vừa qua.
Trong khi đó, Ủy ban quốc gia về phòng ngừa, kiểm soát và điều trị COVID-19 Myanmar đã gia hạn giai đoạn áp đặt các biện pháp chống dịch COVID-19 đến hết ngày 15/12. Đây được xem là một phần trong nỗ lực ngăn chặn tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh hiện nay. Theo thông cáo của Bộ Y tế và Thể thao, trong 24 giờ qua, Myanmar đã ghi nhận 1.344 ca mắc mới COVID-19 và 22 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 87.977 ca và 1.887 ca.
Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo có thêm 115 trường hợp mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ ngày 1/8 (với 125 ca nhiễm mới). Kể từ cuối tháng 1, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 6.239 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 109 người không qua khỏi.
Hong Kong đã đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ đêm và các tụ điểm giải trí lần thứ 3 trong năm, cho đến ít nhất ngày 3/12. Số ca nhiễm mới tăng cao trở lại đã khiến Hong Kong và Singapore phải dời lại việc thiết lập "bong bóng du lịch" ít nhất 2 tuần so với kế hoạch ban đầu là vào ngày 22/11. Bên cạnh đó, chính quyền Hong Kong cũng đang mở lại trung tâm điều trị COVID-19 tạm thời ở gần sân bay.
Dịch bệnh tại Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu đáng lo ngại, khi số bệnh nhân có triệu chứng nặng lên tới 462 người - mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện Tokyo đang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Dù số ca nhiễm mới tại thủ đô đã giảm xuống chút ít, còn 418 ca, so với hai ngày trước, song vẫn ở mức cao.
Chính quyền thủ đô đã lần đầu tiên nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 9. Ngày 28/11 vừa qua, Tokyo đã bắt đầu tiến hành chiến dịch kéo dài 20 ngày, trong đó các nhà hàng và quán rượu phải đóng cửa sớm hơn quy định và chính quyền sẽ hỗ trợ 400.000 yen (3.800 USD) cho mỗi doanh nghiệp thực thi quy định này.
Hàn Quốc cũng đã ban hành lệnh cấm tổ chức tiệc tất niên, và đóng cửa một số phòng tắm hơi, quán cà phê. Sau 3 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 500 ca, số người mắc mới tại nước này trong 24 giờ qua đã giảm xuống còn 450. Tuy nhiên, do tốc độ lây lan COVID-19 đang ở mức cao nhất trong gần 9 tháng qua, nhà chức trách đã siết chặt lệnh cấm tụ tập và các hoạt động được cho là nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận.
Tình hình cũng không khả quan hơn tại châu Âu. Dịch bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn biến hết sức đáng lo ngại khi số ca tử vong liên tiếp trong 6 ngày ghi nhận "những mốc cao nhất từ trước tới nay". Tổng số người không qua khỏi tại Thổ Nhĩ Kỳ là 13.373 ca. Số ca mắc mới trong ngày cũng tăng ở mức cao chưa từng thấy với 30.103 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 487.912 ca.
Bộ trưởng Hàng hải Hy Lạp Yannis Plakiotakis thông báo ông đã nhập viện do mắc COVID-19. Ngày 24/11 vừa qua, vị chính trị gia 52 tuổi này cho biết đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 một ngày trước đó và có kế hoạch tạm thời ở nhà..
Cùng ngày, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã bắt đầu tự cách ly, sau khi vợ của ông có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Người phát ngôn chính phủ Croatia cho biết: "Thủ tướng Plenkovic đã được xét nghiệm trước đó và kết quả là âm tính. Tuy nhiên, ông vẫn được yêu cầu cách ly tại nhà trong 10 ngày tới. Ông sẽ tiếp tục các công việc tại nhà".
Nga cũng ghi nhận thêm 26.683 ca mắc COVID-19, thấp hơn so với mức cao nhất từ trước đến nay, được ghi nhận 1 ngày trước đó, với 27.543 trường hợp. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Nga ghi nhận tổng cộng 2.269.3156 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 39.527 người tử vong (tăng thêm 459 ca trong 24h qua).
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng cảnh báo nước này đang có nguy cơ hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 nếu không có biện pháp hạn chế phòng dịch dúng đắn trong những tuần tới.
Trả lời hãng tin BBC về việc liệu có nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 trong tháng 1 và 2 tới hay không, ông Raab khẳng định chính phủ đang nỗ lực hết sức để tránh nguy cơ phải áp đặt lại lệnh phong tỏa toàn quốc.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số nước châu Âu đã lên phương án ứng phó với dịch bệnh. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết nước này có thể kéo dài các hạn chế phòng, chống dịch khi các biện pháp hiện nay sẽ hết hạn trong vòng gần 1 tuần nữa. Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa toàn quốc tại Áo sẽ được dỡ bỏ vào ngày 7/12 tới.
Cùng ngày, Thủ hiến bang North-Rhine Westphalia cho biết Đức sẽ đưa ra quyết định về việc có dỡ bỏ lệnh hạn chế phòng, chống đại dịch COVID-19 vào đầu tháng 1 tới. Bên cạnh đó, ông cũng hối thúc người dân tuân thủ biện pháp rửa tay và giãn cách xã hội nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí với lãnh đạo của 16 bang về việc gia hạn và siết chặt các biện pháp phòng dịch cho đến ít nhất ngày 20/12 và có thể kéo dài sáng tháng 1. Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng các biện pháp phòng, chống dịch có thể kéo dài sang tháng 1 nếu chưa thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.