Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 24.208.886 người. Hiện vẫn còn hơn 63.910 người (chiếm 1%) đang trong tình trạng nguy kịch.
Xét theo số ca tử vong, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 208.483 ca tử vong trong tổng số 7.425.925 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil, với 140.537 ca tử vong trên 4.689.613 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ 3 với 93.379 ca tử vong trong tổng số 5.903.932 ca nhiễm.
Peru là quốc gia có số người tử vong cao nhất nếu xét theo dân số, khi cứ 100.000 người dân có 97 người không qua khỏi. Sau đó là Bỉ (86 người), Bolivia và Tây Ban Nha (67 người) và Brazil (66 người).
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 338.254 ca tử vong trong tổng số 9.095.347 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 229.335 ca tử vong trên 5.199.762 ca mắc bệnh. Châu Á ghi nhận 132.856 ca tử vong trong số 7.762.046 ca mắc COVID-19; trong khi con số này tại Trung Đông, châu Phi và châu Đại dương lần lượt là 44.120, 34.853 và 945 người.
Thậm chí, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi, lên tới 2 triệu người nếu các biện pháp phòng ngừa không được duy trì.
Tại châu Á, Indonesia tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á khi Bộ Y tế nước này ngày 26/9 thông báo có thêm 4.494 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 90 trường hợp tử vong. Tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 271.339, trong đó có 10.308 trường hợp tử vong và 199.403 người bình phục.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây, thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon đang tích cực xây dựng các trung tâm cách ly mới. Nếu số ca mắc COVID-19 tại Myanmar trong tháng trước chưa đầy 400, trong đó có 6 người tử vong, thì hiện số ca nhiễm tại đây tăng gấp đôi mỗi tuần và số người tử vong đã lên tới 174. Lực lượng chức năng dự báo số ca nhiễm tại quốc gia này trong những ngày sắp tới có thể vượt mức 10.000. Yangon là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và đã phải áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trở lại. Hiện có khoảng 6.000 người đang phải cách ly ở thành phố này và chính quyền đang xây thêm 7 trung tâm mới để có thể cách ly thêm 1.000 người.
Mặc dù ghi nhận thêm thêm 2.747 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 301.256 người và vẫn là quốc gia có số người nhiễm cao nhất trong khu vực, song giới chức Philippines khẳng định tình hình dịch bệnh tại nước này đã có tín hiệu tích cực.
Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, hiện tỷ lệ nhập viện và điều trị tích cực tại các bệnh viện, trong đó có cả ở thủ đô Manila - tâm dịch của nước này, đã giảm trong 2 tuần qua. Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân đang phải điều trị tích cực đã giảm xuống còn khoảng 60%, thấp hơn 21% so với tháng 8. Điều này có nghĩa các cơ sở y tế đã có thêm khả năng để tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm ở nước này cũng đã giảm xuống dưới mức 1. Bộ Y tế Philippines vẫn đang theo dõi chặt chẽ 1.963 ổ dịch tại các bệnh viện, nhà tù và các khu vực đông dân cư.
Dù tình hình dịch bệnh có nhiều cải thiện, song theo Thứ trưởng Y tế Philippines, chính phủ nước này vẫn cần tiếp tục cải thiện hệ thống y tế nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Vùng thủ đô Manila vẫn đang được phong tỏa cho đến ngày 30/9. Trước cuối tháng này, chính phủ sẽ đưa ra thông báo về việc nới lỏng hay duy trì biện pháp này tại vùng thủ đô.
Cùng ngày, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) của Hàn Quốc thông báo ghi nhận 49 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng - mức thấp nhất trong 44 ngày qua. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày ở mức 2 con số sau 3 ngày liên tiếp ở mức 3 con số. Giới chức y tế nước này cho biết đây là dấu hiệu cho thấy việc siết chặt các quy định giãn cách xã hội đã phát huy tác dụng, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi mọi người hạn chế về quê hoặc gặp mặt người thân trong dịp Tết Trung thu (Chuseok) từ ngày 30-9 - 2/10 tới, nhằm tránh nguy cơ dịch tái bùng phát.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại châu Âu lại diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại khu vực Đông Âu khi nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 1 ngày. Cụ thể, Nga thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 7.523 trường hợp mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ ngày 22/6. Trong khi đó, CH Séc thông báo đã có thêm 2.946 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở quốc gia Đông Âu này ở mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện đã có tổng cộng 61.318 trường hợp mắc COVID-19 ở nước này, trong đó có 582 ca tử vong.
Slovakia cũng ghi nhận thêm 552 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia có 5,5 triệu dân này. Ba Lan cũng có thêm 1.584 ca mắc COVID-19, chỉ ít hơn 3 ca so với mức cao nhất từ trước tới nay được ghi nhận trong ngày 25/9.Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế Ba Lan cho biết chính phủ nước này có thể sẽ thông báo các biện pháp hạn chế mới nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 có chiều hướng gia tăng mạnh trở lại tại châu lục, các cơ quan chức năng của Đức tiếp tục mở rộng danh sách các nước và khu vực ở châu Âu có nguy cơ cao, trong đó có Séc, Luxembourg, bang Tyrol của Áo - vốn nằm giáp Đức và là khu nghỉ dưỡng ưa thích của người Đức. Hiện số ca mắc COVID-19 mới ở Đức tiếp tục tăng, với gần 2.400 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen có thêm gần 600 ca. Tổng số bệnh nhân ở Đức hiện đã lên tới gần 281.400 người, với 9.419 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.
Với 160 ca nhiễm mới trong ngày, thủ đô Berlin dự định trong tuần tới sẽ thông báo siết chặt các biện pháp chống COVID-19, trong đó có khả năng áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế tiếp xúc như đã thực hiện tới cuối tháng 6. Theo thông báo của Bộ Y tế Đức, nước này hiện đã mua được khoảng 1,2 tỷ chiếc khẩu trang để sử dụng trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong năm nay và năm tới, Đức dự định tích trữ khoảng 5,9 tỷ chiếc khẩu trang loại y tế và FFP2.
Giới chức Tây Ban Nha cũng quyết định mở rộng lệnh phong tỏa đối với thủ đô Madrid và khu vực lân cận, theo đó cấm hàng chục nghìn người rời khỏi khu vực sinh sống của họ từ ngày 28/9 tới, bổ sung vào danh sách hơn 850.000 người đang phải thực hiện các biện pháp hạn chế tương tự hiện nay. Trên khắp châu Âu, nhiều nước đã ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt.
Trong khi đó, Giáo sư hàng đầu ở Anh về bệnh truyền nhiễm Graham Medley kiêm cố vấn chính phủ, cho rằng Chính phủ Anh đã hành động quá chậm để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, khi có sự chênh lệch giữa số ca nhiễm và tử vong.
Anh là nước có số ca tử vong do mắc COVID-19 cao nhất tại châu Âu, với 41.936 trường hợp. Nếu trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh hồi tháng 4, mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 900 người tử vong thì hiện nay con số này chỉ khoảng 30 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong tuần (tính đến ngày 19/9) đã lên tới 9.600 ca mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức 6.000 của tuần trước đó. Theo ông Medley, điều này có nghĩa số ca tử vong trong 3 đến 4 tuần tới có thể ở vào khoảng 100 người mỗi ngày.
Trước tình hình trên, theo ông Bruce Aylward, trưởng nhóm chuyên gia của WHO cho rằng cho đến khi có được vaccine hiệu quả trong việc phòng, chống COVID-19, các nước và người dân cần "chung tay" đẩy lùi dịch bệnh. Hiện có khoảng 40 vaccine tiềm năng trên thế giới đang được thử nghiệm ở các giai đoạn khác nhau trên người. Ngoài ra, có thêm 149 vaccine khác đang được phát triển trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên 9 trong số 10 vaccine tiềm năng đã thất bại.