Thế giới có thể đã mất 20,5 triệu năm tuổi thọ vì đại dịch COVID-19

Theo một nghiên cứu mới đây, người dân tại 81 quốc gia trên thế giới có thể đã mất đi hơn 20,5 triệu năm tuổi thọ vì đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Hình ảnh các nạn nhân COVID-19 được chiếu trong nhà thờ Lima ở Peru hồi tháng 11/2020. Ảnh: Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports dựa trên 1,27 triệu ca tử vong, cũng như dữ liệu tuổi thọ và dự đoán về tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở 81 quốc gia trên thế giới. 

Các chuyên gia đã dùng khái niệm "số năm tuổi thọ mất đi" chỉ chênh lệch giữa tuổi thực tế khi tử vong với tuổi thọ ước tính trung bình. Các nhà khoa học ước tính rằng tổng cộng 20.507.518 năm tuổi thọ có thể đã mất đi do dịch COVID-19 ở 81 quốc gia. Trung bình, mỗi trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 bị mất đi 16 năm tuổi thọ.

Trong đó, số năm tuổi thọ bị mất của đàn ông cao hơn phụ nữ 44%. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng tỉ lệ số năm tuổi thọ bị mất đi ở các nước giàu hơn chủ yếu ở người lớn tuổi. Tuy nhiên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, số năm tuổi thọ mất đi lớn nhất chủ yếu ở những người tử vong từ 55 đến 75 tuổi.

Trong tổng số năm tuổi thọ mất đi, 44,9% ở người từ 55 đến 75 tuổi, 30,2% ở những người dưới 55 tuổi và 25% ở những người trên 75 tuổi.

So sánh với những nguyên nhân tử vong phổ biến khác trên toàn cầu, nghiên cứu chỉ ra rằng dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn bệnh cúm mùa. Đặc biệt ở những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, số năm tuổi thọ mất đi vì COVID-19 nhiều hơn từ 2 đến 9 lần bệnh cúm mùa. Bên cạnh đó, số năm tuổi thọ mất đi do COVID-19 có thể nhiều hơn 0,75 lần so với số năm tuổi thọ mất đi liên quan tới bệnh tim mạch.

Phân tích dữ liệu nghiên cứu của Daily Mail cho thấy, Nepal là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới khi tính số năm sống bị mất do tử vong sớm vì COVID-19. Trung bình, người Nepal mất khoảng 26 năm cuộc đời. Trong số 5 nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu còn có Đài Loan (Trung Quốc), Bolivia, El Salvador và Cộng hòa Dominica.

Các quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Luxembourg, Slovenia, Thụy Điển và Thụy Sĩ thì ngược lại, người dân nước này chỉ mất chưa đến 10 năm cuộc đời cho một ca tử vong do COVID-19.

Tại Anh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 833.874 năm tuổi thọ đã bị mất vì đại dịch COVID-19. Trung bình, mỗi người bị mất đi 11,4 năm tuổi thọ. Trong đó, nam giới mất 11,5 năm và nữ giới mất 10,8 năm. Tại Tây Ban Nha, 572.567 năm tuổi thọ đã bị mất, trung bình mỗi người mất 11,24 năm. Tại Peru, 764.856 năm tuổi thọ đã bị mất, trung bình mỗi người bị mất 20,2 năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng, nghiên cứu không tính đến số năm tuổi thọ bị mất do các ca tử vong liên quan đến COVID-19 một cách gián tiếp.

“Mỗi ca tử vong đều là một bi kịch của một gia đình, nhưng nghiên cứu này cho thấy đại dịch đã gây ra thiệt hại nặng nề về nhân mạng trên toàn cầu. Những dữ liệu này cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn là chỉ nhìn vào độ tuổi tử vong trung bình do COVID-19 để xem xét mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế của các biện pháp phòng dịch”, Tiến sĩ Simon Clarke, Phó Giáo sư về Vi sinh vật tế bào tại Đại học Reading (Anh), nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 20/2: Campuchia dập làn sóng 3; Philippines tăng vọt ca tử vong
COVID-19 tại ASEAN hết 20/2: Campuchia dập làn sóng 3; Philippines tăng vọt ca tử vong

Đến hết ngày 20/2, các nước ASEAN đã ghi nhận gần 50.800 ca tử vong và trên 2,34 triệu người bệnh. Campuchia bùng phát đợt lây nhiễm cộng đồng thứ ba và đang khẩn cấp xử lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN