Mặc dù vậy, vì lý do an toàn, chỉ có 675 du khách được vào thăm di tích này mỗi ngày - khoảng 30% công suất hoạt động trước khi dịch bệnh bùng phát. Du khách cũng được yêu cầu đảm bảo giãn cách xã hội khi tới thánh địa Machu Picchu.
Quyết định mở cửa trở lại thành cổ Machu Picchu được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Peru đang có chiều hướng giảm. Việc đóng cửa khu di tích này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng chục nghìn người đang sống phụ thuộc vào dịch vụ du lịch tại Peru, đặc biệt là người dân thuộc khu vực miền núi Cusco - nơi có thành đá cổ Machu Picchu.
Một lượng lớn các khách sạn, nhà hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã phá sản sau khi Chính phủ Peru ban bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt kéo dài 100 ngày, kết thúc vào tháng 7 vừa qua.
Trước đại dịch, tại thị trấn Ollantaytambo gần Machu Picchu có tới 80 khách sạn lớn nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Joaquin Randall - người đứng đầu hiệp hội nhà hàng và khách sạn tại địa phương này - có tới 50% trong số đó đã phá sản. Ông cho biết: "Các khách sạn chính thống có nộp thuế kinh doanh, có thể nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ". Mặc dù vậy, tại khu vực này vẫn còn rất nhiều khách sạn bình dân, chủ yếu phục vụ khách du lịch ba lô.
Machu Picchu là di sản cổ xưa nhất của đế chế Inca - từng cai trị một vùng rộng lớn phía Tây Nam Mỹ cách đây 100 năm, trước cuộc chinh phạt của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Tàn tích khu định cư của người Inca đã được nhà thám hiểm người Mỹ Hiram Bingham phát hiện vào năm 1911. Machu Picchu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1983 và được cộng đồng quốc tế bình chọn là một trong 7 kỳ quan thế giới trong năm 2007. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, "Thành phố đã mất của người Inca" đón khoảng 3.000 - 5.000 lượt khách tham quan mỗi ngày.