Báo chí Anh đã gọi bài phát biểu ngày 21/9 này là “lời tuyên chiến” đối với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sau cách họ cự tuyệt thẳng thừng kế hoạch Brexit được bà May mang đến hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU tại Salzburg, Áo, vừa qua.
Cách gọi đó có lẽ cũng không có gì quá đáng khi bà May bỏ qua phong cách ngoại giao thường thấy để cáo buộc EU đã không tôn trọng Anh, bằng cách bác bỏ các đề xuất trong bản kế hoạch mà không đưa ra lời giải thích hoặc đề xuất thay thế thỏa đáng nào.
Bà May tuyên bố cách duy nhất để các cuộc đàm phán Brexit không đi từ “bế tắc” như hiện nay đến đổ vỡ hoàn toàn là Brussels phải thay đổi lập trường, còn không thì nước Anh đã sẵn sàng cho việc rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận nào hết. Cuộc “so đấu” giữa Thủ tướng May và các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị vừa qua đã dẫn đến tình trạng được gọi là “thảm họa Salzburg”.
Tuy nhiên, không phải đợi đến những gì diễn ra tại Salzburg và phản ứng sau đó của Thủ tướng Anh, dư luận cũng đã nhận thấy rằng sau một năm rưỡi đàm phán và trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm nước Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, hai bên dường như vẫn còn ở quá xa nhau trong những vấn đề then chốt, nhất là “hình hài” của quan hệ thương mại giữa Anh và EU sau Brexit, cũng như vấn đề biên giới giữa xứ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.
Các lựa chọn mà EU đưa ra đối với nước Anh là “mô hình Na Uy” và “mô hình Canada ++”, bị bà May miêu tả là “sự nhạo báng” đối với ý nguyện được cử tri Anh thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 về Brexit, cũng như phá vỡ sự toàn vẹn của nước Anh. Về phần mình, EU coi kế hoạch Brexit hiện nay của Chính phủ Anh - còn được gọi là kế hoạch Chequers - đe dọa phá bỏ những nguyên tắc căn bản về thị trường chung của khối này.
Mặc dù vậy, sẽ là quá sớm để bi quan rằng màn tranh cãi nảy lửa mới nhất giữa EU và Anh sau “thảm họa tại Salzburg” đã đặt dấu chấm hết cho triển vọng đàm phán Brexit, khi sự thật hiển nhiên là cả hai bên vẫn đều muốn có một cuộc “ly dị” ít tổn thất hết mức có thể theo lịch trình đã đề ra. Hai bên đều nói ngày một nhiều về sự sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận, nhưng cả Anh và EU cũng đều thừa hiểu đó sẽ là một thất bại về chính trị và một thảm họa về kinh tế - nhất là khi kế hoạch dự kiến về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng sẽ bị dẹp bỏ.
Sau những lời trách móc và buộc tội gay gắt hiếm thấy, Thủ tướng Anh vẫn gửi đi thông điệp rất rõ ràng rằng bà sẽ tiếp tục đưa ra những đề xuất mới nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo EU về vấn đề biên giới Ireland. Trong khi đó, các nhà đàm phán của EU dưới sự lãnh đạo của ông Michel Barnier đang khẩn trương soạn thảo những đề xuất thay thế cho kế hoạch Chequers của Anh về tương lai quan hệ giữa hai bên.
Nhiều khả năng vẫn sẽ không có đột phá nào về Brexit tại hội nghị thượng đỉnh EU ngày 18-19/10 tới như kỳ vọng trước đó, nhưng mọi hy vọng lúc này sẽ được dồn vào hội nghị thượng đỉnh bất thường vào giữa tháng 11. Bản thân việc EU quyết định tổ chức thêm hội nghị này cũng đã tạo thêm cơ hội cho cả hai bên. Nhượng bộ đạt được vào thời điểm đó vẫn cho phép cả EU và Anh có đủ thời gian để tìm kiếm sự phê chuẩn của nghị viện mỗi bên cho thỏa thuận trước ngày 29/3/2019.
Các nhà ngoại giao EU cho rằng đối tượng chủ yếu mà bà May nhắm đến trong bài phát biểu ngày 21/9 chính là các “thính giả” trong nước, mà cụ thể là các thành viên của đảng Bảo thủ tại Quốc hội Anh vốn chưa bao giờ bị chia rẽ và “hỗn loạn” như suốt thời gian qua vì Brexit. Trong quá khứ, bà May đã gặp rất nhiều trở ngại trong tiến trình Brexit và lần nào bà cũng bền bỉ vượt qua bằng được.
Vấn đề duy nhất là ngày càng nhiều nghị sĩ ngay trong đảng Bảo thủ chỉ trích chiến lược và cách thức đàm phán Brexit mà chính phủ của bà đang thực hiện. Giả sử có vượt qua những âm mưu “nổi loạn và lật đổ” vốn đã thành “thương hiệu” của đảng Bảo thủ và mang được thỏa thuận từ Brussels về London đúng thời hạn, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn còn phải vượt qua một trở ngại cực lớn là thuyết phục được Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận đó, trong khi đã có khoảng 80 nghị sĩ Bảo thủ tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch Chequers ngay cả khi EU có đồng ý nhượng bộ.
Chính phủ Anh dường như đã tính toán rằng bằng cách tỏ ra “cứng rắn” hết mức có thể đối với EU, bà May sẽ tranh thủ được sự ủng hộ từ trong nội bộ, trong bối cảnh đại hội của đảng Bảo thủ khai mạc tại thành phố Birmingham vào ngày 30/9 tới được dự báo sẽ vô cùng căng thẳng và gay gắt với áp lực gia tăng đòi bà May phải từ bỏ kế hoạch Chequers và thậm chí từ chức.
“Canh bạc” mạo hiểm này đã ít nhiều tỏ ra có tác dụng khi một loạt các nhân vật chống đối nhất cũng lên tiếng bày tỏ sự đồng tình với Thủ tướng Anh trong xử lý quan hệ với EU. Tuy nhiên, vẫn thật khó có thể hình dung bằng cách nào trong vài tuần quyết định tới, bà May kịp đưa ra một kế hoạch mới, hoặc ít nhất là các đề xuất bổ sung, làm hài lòng cả London lẫn Brussels, cả phe ủng hộ Brexit và phe “Ở lại” trong Quốc hội Anh.
Đến thời điểm này, phe ủng hộ một Brexit cứng hoặc một Brexit không thỏa thuận vẫn chỉ là thiểu số trong Quốc hội Anh, nên cơ hội sáng sủa nhất cho bà May vẫn là một Brexit có xu hướng mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn cả trong lẫn ngoài như hiện nay, nhiều khả năng Thủ tướng Anh chỉ có thể trông đợi vào một thỏa thuận Brexit “mù” - nghĩa là chỉ có những điều khoản ràng buộc liên quan đến việc Anh rời khỏi ngôi nhà chung EU.
Các vấn đề liên quan đến mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU trong thỏa thuận, nếu đạt được vào tháng 11 tới, sẽ rất chung chung và mơ hồ. Mọi câu hỏi cụ thể và then chốt sẽ bị đẩy sang giai đoạn chuyển tiếp sau đó, với việc lùi “hạn chót” từ thời điểm cuối tháng 3/2019 sang tháng 12/2020. Điều đó đồng nghĩa với việc tình trạng bấp bênh mơ hồ hiện nay đối với người dân và các doanh nghiệp của cả nước Anh cũng như EU sẽ tiếp diễn đến khi nào chưa biết.
Còn rất nhiều kịch tính có thể xảy ra trên chính trường Anh ngay trong mùa Thu này. Bà May có thể sẽ thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ đa số cần thiết đối với bất kỳ thỏa thuận Brexit nào. Hoặc tệ hơn nữa là Chính phủ Anh thậm chí còn không thống nhất được quan điểm trong việc chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận, còn Quốc hội thì sa lầy trong những cuộc tranh luận gay gắt về những giải pháp thay thế không được bên nào chấp nhận.
Tình trạng tê liệt về chính trị đó sẽ dẫn đến những biến động không mong muốn với khả năng về một cuộc tổng tuyển cử sớm hoặc một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm đảo ngược Brexit. Chỉ có một điều chắc chắn là khả năng về một cuộc chia tay “êm đẹp và trơn tru” giữa Anh và EU như mong muốn ban đầu đã trở nên xa vời hơn bao giờ hết.