Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội đàm, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương để kích thích tăng trưởng kinh tế, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các lĩnh vực mới. Hai bên cũng đặt mục tiêu phát triển khu vực biên giới giữa hai nước trở thành một minh chứng cho sự hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng chung.
Bên cạnh đó, hai thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký kết 4 biên bản ghi trong lĩnh vực năng lượng điện, năng lượng tuần hoàn và kinh tế số. Những lĩnh vực vốn được coi là chìa khóa để thúc đẩy mô hình kinh tế Sinh học – Tuần hoàn - Xanh (BCG) của cả hai nước và tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, theo ông Prayut, hai bên cũng đã thảo luận và nhất trí thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực. Thứ nhất, tăng khả năng kết nối nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới bằng cách đẩy nhanh các dự án xây dựng đường bộ nối khu vực Sadao ở tỉnh Songkhla của Thái Lan với một trạm kiểm soát hải quan của Malaysia và xây dựng cây cầu Ko Lok mới. Thứ hai, hai bên nhất trí tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 30 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về cách thức giúp làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Thứ ba, hai bên thảo luận về cách phát triển khu vực biên giới chung, chẳng hạn như hình thành một đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư dài hạn. Thủ tướng Prayut nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng tôi đã chỉ ra Chiến lược phát triển chung cho khu vực biên giới để từ đó lập một kế hoạch hành động thực tế trong khung thời gian thực tế. Chúng tôi cũng đã thảo luận về chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp như cao su”. Cuối cùng, hai bên nhất trí khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học và sáng tạo, đồng thời đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực.
Về phần mình, ông Anwar cam kết “làm bất cứ điều gì được yêu cầu” để tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình cho xung đột ở miền nam Thái Lan.
Hơn 7.300 người đã thiệt mạng kể từ năm 2004 trong cuộc giao tranh giữa các lực lượng ở Thái Lan và các nhóm nổi dậy đòi ly khi tại các tỉnh Narathiwat, Yala, Pattani và một phần của tỉnh Songkhla, vốn chủ yếu là người Hồi giáo và người Mã Lai sinh sống. Ông Anwar nhấn mạnh các cuộc nổi dậy là vấn đề nội bộ của Thái Lan nhưng cho biết Malaysia sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, bắt đầu bằng việc chỉ định ông Zulkifli Zainal Abidin, 65 tuổi, cựu chỉ huy Lực lượng vũ trang Malaysia, làm người hỗ trợ cho quá trình đàm phán hòa bình. Trong khi đó, ông Prayut nhấn mạnh sự hợp tác sẽ giúp giải quyết vấn đề ở các tỉnh bất ổn, đặc biệt là phát triển kinh tế và cải thiện kết nối giữa hai nước.
Kể từ năm 2013, Malaysia đã hỗ trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các nhóm ly khai và chính phủ Thái Lan nhưng quá trình này đã bị gián đoạn do đại dịch. Vòng đàm phán mới nhất đã được nối lại vào năm ngoái sau 2 năm tạm dừng.