Theo Thủ tướng Prayut, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh từ ngày 1/9 và bày tỏ hy vọng người dân sẽ tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Những hạn chế đó có thể sẽ được nới lỏng thêm nếu tình hình được cải thiện.
Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan đang cân nhắc khả năng cấp thẻ chứng nhận tiêm chủng và đã hồi phục sau COVID-19 khi người dân tái tham gia các hoạt động xã hội.
Bí thư thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết đang có nghiên cứu về việc cấp thẻ màu xanh lá cây cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ và thẻ màu vàng cho những người đã khỏi bệnh trong vòng từ 1-3 tháng. Những thẻ này sẽ đặc biệt hữu ích đối với các nhà khai thác và nhân viên trong các doanh nghiệp, nơi họ phải tiếp xúc nhiều với công chúng. Biện pháp này sẽ bổ sung cho việc nới lỏng dần phong tỏa và các hạn chế khác từ ngày 1/9 tại 29 tỉnh có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất, trong đó có thủ đô Bangkok.
Theo Cục phó Cục Kiểm soát Dịch bệnh Sophon Iamsirithavorn, các thẻ phân loại theo màu sắc nói trên đang trong giai đoạn lên ý tưởng và dự kiến sẽ triển khai trong tháng 10 sau chương trình thí điểm bắt đầu vào tháng này.
Nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới vốn đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 7 tháng đầu năm nay, Chính phủ Thái Lan mong muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các nước láng giềng để mở lại càng nhiều cửa khẩu càng tốt.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết Vụ Ngoại thương đang làm việc với khu vực tư nhân và lãnh đạo các tỉnh biên giới bao gồm Chiang Rai, Loei, Nong Khai, Nakhon Phanom và Mukdahan để tiếp tục đàm phán với các nước láng giềng. Theo ông Jurin, các cơ quan có trách nhiệm và khu vực tư nhân đang thúc đẩy việc mở lại các cửa khẩu Buketa và Tak Bai ở tỉnh Narathiwat giáp với Malaysia. Cửa khẩu Pak Sang ở tỉnh Ubon Ratchathani dự kiến sẽ sớm được mở cửa trở lại sau cuộc họp chung với phía Lào vào ngày 30/7.
Đến nay, Thái Lan đã mở 97 cửa khẩu, trong khi 53 cửa khẩu vẫn phải đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Số liệu do Bộ Thương mại Thái Lan công bố cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, tổng thương mại xuyên biên giới của nước này, kể cả thương mại quá cảnh, đạt 971 tỷ baht (khoảng 30 tỷ USD), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ Thái Lan chiếm 591 tỷ baht, tăng 37,9% và nhập khẩu chiếm 380 tỷ baht, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại biên giới trong giai đoạn này cũng tăng 18,3%, đạt 513 tỷ baht, trong khi thương mại quá cảnh tăng 48,9%, đạt 458 tỷ baht.
Đối với thương mại biên giới, Lào trở thành đối tác lớn nhất tính theo giá trị. Thương mại hai chiều giữa Thái Lan và Lào đạt 409 tỷ baht (tăng 46%), tiếp theo là Malaysia đạt 345 tỷ baht (tăng 32,8%), Myanmar đạt 115 tỷ baht (tăng 11,2%) và Campuchia là 101 tỷ baht (tăng 3,99%). Thương mại quá cảnh của Thái Lan đã tăng lên đối với tất cả các thị trường, đạt 216 tỷ baht với miền Nam Trung Quốc (tăng 64,9%), 68,5 tỷ baht với Singapore (tăng 37,1%), 41 tỷ baht với Việt Nam (tăng 17,3%) và 132 tỷ baht với các nước khác (tăng 44,5%).
Ngày 1/9 Thái Lan ghi nhận thêm 14.802 ca mắc mới COVID-19 và 252 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này ở dưới ngưỡng 15.000 ca sau khi đạt đỉnh 23.418 ca hôm 13/8. Kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan đã có tổng cộng 1.219.531 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.040.768 bệnh nhân đã bình phục và 11.841 người không qua khỏi.