Diễn đàn trên do Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng, Đại tướng Chaicharn Changmongkol chủ trì, với sự tham gia của các đại diện của 3 chính đảng nhỏ - đảng Khát vọng mới, đảng Mạng lưới Nông dân Thái Lan và đảng Bình dân - vốn là những đảng không có ghế trong Hạ viện nước này.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại một sự kiện ở New Delhi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phóng viên sau cuộc họp kéo dài 4 giờ tại trụ sở Bộ Quốc phòng, người phát ngôn bộ này, ông Kongcheep Tantrawanit nói rằng cuộc thảo luận đã được tiến hành "với sự minh bạch và chân thật", đồng thời cho biết 3 đảng trên đã đóng góp những ý kiến quan trọng.Hàng chục tổ chức chính trị cũng được mời tham dự các phiên họp sắp tới, trong đó có các đảng chính trị lớn như đảng Pheu Thai và đảng Dân chủ Thái Lan.
Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng nhiều vấn đề chính trị nhất định, vốn vẫn được đem ra tranh luận gay gắt và chưa chấm dứt, sẽ không được đề cập trong các cuộc họp dự kiến giữa các chính trị gia được mời và ủy ban thu thập ý kiến.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan, ủy ban trên sẽ mất 3 tháng để thu thập các ý kiến của các chính trị gia từ khoảng 70 chính đảng hiện có tại nước này. Ông cho biết đến nay chưa có đảng nào từ chối lời mời tham gia nỗ lực hòa giải dân tộc này.
Ngày 10/2 vừa qua, ông Kongcheep Tantrawanit thông báo Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn vào các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 14/2. Tại mỗi cuộc thảo luận, 10 quân nhân sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan đến hòa giải dân tộc với 10 đại diện của các chính đảng.
Đại tướng Chaicharn Changmongkol đứng đầu ủy ban tập hợp các ý kiến trao đổi. Cuộc thảo luận sẽ kéo dài 3 tháng và sau đó một ủy ban đứng đầu là Tư lệnh Lục quân, Đại tướng Chanlermchai Sittsat sẽ soạn thảo một thỏa thuận hòa giải. Dự thảo thỏa thuận hòa giải này sẽ được quân đội đem ra lấy ý kiến công chúng tại các địa phương trên cả nước.