Theo IRNA, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Iran đã nói với đại biện lâm thời Ba Lan ở Tehran rằng Iran nhận thấy quyết định tổ chức hội nghị trên là "hành động thù địch đối với Iran", và cảnh báo Tehran có thể đáp trả. Về phần mình, đại biện lâm thời Ba Lan đã giải thích về hội nghị và khẳng định sự kiện này không nhằm phản đối Iran.
Trước đó, ngày 11/1 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hội nghị thượng đỉnh, dự kiến được tổ chức tại Vacsava trong hai ngày 13-14/2, tập trung vào việc thảo luận sự ổn định và an ninh ở Trung Đông, trong đó có "thành tố quan trọng là đảm bảo Iran không phải một nhân tố gây bất ổn".
Phản ứng trước tuyên bố này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã cáo buộc Ba Lan tổ chức sự kiện chống Iran.
Mối quan hệ giữa Tehran và Washington gia tăng căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5/2018 quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Washington khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân trên, thay vào đó đưa ra 12 yêu sách cho một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chương trình hạt nhân Iran.
Các yêu cầu chính bao gồm yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani, không tái chế plutoni, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm vũ trang ở Trung Đông, thả các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và chấm dứt các đe dọa hủy diệt Israel.
Iran đã chỉ trích những yêu cầu của Mỹ là "không thể chấp nhận được" cũng như lặp lại những chiến thuật "vô ích" mà Washington từng áp dụng trong quá khứ.