Đáng chú ý trong số đó có lệnh đóng cửa các hộp đêm, cấm các quán rượu, quán cà phê phục vụ khách ở không gian ngoài trời, và cấm hút thuốc lá khi không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết các quán bar và nhà hàng cũng sẽ phải đóng cửa trước 1h sáng. Ông đồng thời khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ, tránh tụ tập trên 10 người.
Trước đó, một số địa phương ở Tây Ban Nha như vùng Galicia và quần đảo Canary đã áp đặt lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Số ca mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha đã tăng cao trở lại trong những ngày gần đây sau khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa trước đó 7 tuần. Ngày 13/8, Tây Ban Nha ghi nhận thêm gần 3.000 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 337.334 ca, mức cao nhất ở khu vực Tây Âu. Số ca tử vong do COVID-19 hiện là 28.605 ca.
Nhiều chuyên gia lo ngại tình hình dịch bệnh ở Tây Ban Nha sẽ trở về mức nghiêm trọng như hồi đầu tháng 4 khi số ca tử vong chạm mốc 1.000 ca/ngày. Tuy nhiên, ông Illa đã bác bỏ các lo ngại này.
Cùng ngày, Chính phủ Anh đã gia hạn lệnh phong tỏa tại các khu vực ở phía Tây Bắc vùng England, với lý do không có bằng chứng cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 đang giảm tại đây. Trong thông báo, Chính phủ Anh cho biết Bộ Y tế nước này cùng lãnh đạo các địa phương đã nhất trí duy trì các biện pháp phong tỏa tại khu vực Tây Bắc England. Các số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 tính trên 100.000 dân ở vùng này không có chiều hướng giảm.
Quyết định trên được đưa ra sau khi giới chức y tế kết thúc hai tuần đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp hạn chế ở vùng Greater Manchester, Tây Yorkshire và Đông Lancashire, trong đó cấm những người không cùng một gia đình gặp gỡ ở không gian kín.
Trước đó, ngày 13/8, Anh bắt đầu thử nghiệm một ứng dụng mới trên điện thoại di động để giúp người dùng theo dõi liệu họ có đang tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hay không. Theo giới chức y tế Anh, Đảo Wight (Isle of Wight) là địa phương đầu tiên thử nghiệm ứng dụng truy vết mới này, sau đó là khu Newham của London. Ứng dụng này là sản phẩm hợp tác giữa các chuyên gia bảo mật với các tập đoàn công nghệ như Google, Apple..., và gần giống công nghệ hiện được sử dụng ở Đức và Ireland.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến thời điểm hiện tại, Anh ghi nhận gần 314.000 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 41.000 ca tử vong.
Tại Na Uy, tình hình dịch COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 14/8, chính phủ nước này đã lần đầu tiên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, cụ thể là trên các phương tiện giao thông công cộng ở thủ đô Oslo và các vùng lân cận.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoie cho biết việc đeo khẩu trang được khuyến khích như một biện pháp phòng ngừa bổ sung khi không thể giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét trên các phương tiện giao thông công cộng.
Trong khi nhiều nước ở châu Âu đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, các nước Bắc Âu vẫn nằm ngoài các quy định này. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, nhà chức trách Phần Lan và Đan Mạch đã thay đổi quan điểm về vấn đề khẩu trang, và đã khuyến cáo đeo khẩu trang trong một số trường hợp. Trong khi đó, Thụy Điển vẫn giữ quan điểm không khuyến khích đeo khẩu trang do nghi ngờ hiệu quả của biện pháp này.
Liên quan tình hình dịch COVID-19 ở Na Uy, Viện Y tế công cộng nước này cho biết mặc dù số ca mắc bệnh ở các địa phương gia tăng, song không có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ lan ra cả nước. Tuần trước, quốc gia 5,4 triệu dân này phát hiện thêm 357 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 4 vừa qua, nhưng vẫn thấp hơn mức 1.733 ca/tuần ghi nhận hồi cuối tháng 3. Đến thời điểm hiện tại, Na Uy có gần 9.900 ca mắc COVID-19 và 261 ca tử vong.