Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha kêu gọi Washington, nhà tài trợ chính cho UNRWA, xem xét lại quyết định của mình. Thông cáo nêu rõ: "Tình hình tài chính đang nguy kịch của UNRWA sau quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa nghiêm trọng tính liên tục của các chương trình đặc biệt về vấn đề sức khỏe, giáo dục và lương thực, vốn mang lại lợi ích trực tiếp cho người Palestine tại Trung Đông.
Việc ngừng các dịch vụ cơ bản cho 3 triệu người tị nạn Palestine có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sự ổn định trong khu vực, đặc biệt là tại Dải Gaza". Bộ trên cho biết Madrid "cam kết tìm các giải pháp chung" để cho phép UNRWA tiếp tục hoạt động một cách bên vững. Tuyên bố nêu rõ: "Tây Ban Nha cho rằng EU và các nước thành viên nên đưa ra một sự hỗ trợ bổ sung để bù đắp những hậu quả có thể xảy ra sau quyết định của Mỹ".
Trước đó, Mỹ đã giảm khoản đóng góp của mình cho UNRWA, từ 365 triệu USD năm 2017 xuống còn 60 triệu USD từ đầu năm 2018. Đến cuối tháng 8, Mỹ đã thông báo chấm dứt hoàn toàn việc tài trợ cho UNRWA. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế.
Quyết định trên của Mỹ đẩy UNRWA vào tình thế hết sức khó khăn. Người đứng đầu các ủy ban của UNRWA Mahmoud Mubarak cảnh báo về "những hậu quả vô cùng nghiêm trọng", cho biết đại diện các ủy ban sẽ họp vào ngày 4/9 tới để thảo luận các biện pháp.
UNRWA được Đại hội đồng LHQ thành lập năm 1949, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Israel-Arab sau khi Nhà nước Israel ra đời năm 1948 đã khiến hơn 750.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa, phần lớn sang các nước láng giềng. UNWRA hỗ trợ cho những người tị nạn Palestine đã đăng ký tại 5 khu vực gồm Jordan, Syria, Lebanon, Bờ Tây và Dải Gaza. Các hỗ trợ này gồm các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ và các dịch vụ xã hội, cũng như cơ sở hạ tầng, cải thiện các trại tị nạn và tín dụng vi mô.