Theo đài Sputnik ngày 8/2, hình ảnh 3D của tảng đá có tên là Kumano Pluton này cho thấy nó đã chuyển hướng năng lượng kiến tạo thành các điểm dọc theo các mặt, nơi một số trận động đất lớn nhất trong khu vực đã xảy ra.
Mô hình 3D có độ nét cao cho thấy Pluton là một khối đá lồi màu đỏ, gần đới hút chìm Nankai, thuộc bờ biển phía nam của Nhật Bản. Đới hút chìm là những điểm mà các mảng kiến tạo của Trái đất va chạm hoặc trượt qua nhau.
Các khu vực phía trên các đới này đặc biệt dễ xảy ra động đất, sóng thần, núi lửa phun trào.
Nghiên cứu là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể xác định toàn bộ phạm vi của Kumano Pluton – được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2006.
Nhóm nhà nghiên cứu tham gia đã tập hợp dữ liệu địa chấn được thu thập trong khoảng thời gian 20 năm và đưa vào siêu máy tính LoneStar5 để tạo khung cho mô hình 3D độ nét cao của Pluton.
Ông Shuichi Kodaira, Giám đốc Cơ quan Khoa học và Công nghệ Trái đất Biển Nhật Bản, cho rằng những phát hiện này sẽ giúp họ tìm hiểu xem liệu có một trận động đất lớn khác đang hình thành ở đới hút chìm Nankai hay không.
Ông nói: “Chúng tôi không thể dự đoán chính xác khi nào, ở đâu hoặc độ lớn của các trận động đất trong tương lai, nhưng bằng cách kết hợp mô hình của chúng tôi với dữ liệu quan trắc, chúng tôi có thể bắt đầu ước tính các quá trình trong tương lai gần”.
Mô hình 3D của Pluton cũng cho thấy nó chuyển hướng nước ngầm vào bên trong Trái đất.
Ông Adrien Arnulf, tác giả chính của nghiên cứu và là trợ lý nghiên cứu tại Viện Vật lý Địa cầu của Đại học Texas, đã mô tả những phát hiện này mang tính “mở mang tầm mắt” và nói rằng chúng có thể giúp các nhà địa vật lý nghiên cứu tạo ra hình ảnh 3D về các điểm địa chấn khác dưới bề mặt Trái đất.
Những nơi như đông bắc Nhật Bản, New Zealand và Cascadia ở Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ có các đới hút chìm khác và các trận động đất lớn đã từng xảy ra ở tất cả các khu vực này.