Đức đã luôn là đối tác chủ chốt của Nga tại châu Âu kể từ thời điểm Liên Xô sụp đổ. Nhưng những tín hiệu mới cho thấy Berlin đã có những bước đi thay đổi. Những vấn đề hiện tồn tại giữa 2 nước sẽ phải mất rất nhiều thời gian và điều này có thể hủy hoại mối quan hệ Nga – châu Âu trong tương lai.Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có những lời lẽ chỉ trích được cho là cứng rắn nhất nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, báo hiệu bước khởi động cho đối đầu căng thẳng Nga – Đức về mặt dài hạn. “Hành động của Nga (tại Ukraine) đã đe dọa trật tự hòa bình tại châu Âu và vi phạm luật pháp quốc tế. Các lệnh cấm vận là điều không thể khác được, nó cho thấy quyết tâm của chúng ta trong việc tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng cần sự kiên trì và quyết đoán”, Thủ tướng Merkel phát biểu trước Quốc hội Đức. Phía Đức cũng chính thức tuyên bố hủy Đối thoại St. Peterburg giữa Nga và Đức mà theo dự định sẽ có sự hiện diện của cả ông Putin và bà Merkel.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters |
Sự thay đổi của Berlin xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, về mặt nguyên tắc, Đức đã chọn đặt sự thống nhất của EU lên trên quan hệ song phương với Nga, qua đó khẳng định vị thế của Berlin. Ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga nhìn nhận: “Đối với Đức, ưu tiên hàng đầu là sự thống nhất trong nội bộ cũng như tương lai của EU – tổ chức hiện chứng kiến sức ảnh hưởng chi phối ngày một lớn của Đức. Berlin đã chọn cách hành xử dưới ngọn cờ EU và đặt dưới sự lãnh đạo của mình”.
Giới phân tích thì nhìn nhận, bà Merkel nhận thức rất rõ vai trò lãnh đạo không chính thức của Đức tại EU. Dựa trên nền tảng tập trung hóa kinh tế ngay sau thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (2008), Đức, với nền kinh tế chế tạo hướng mạnh về xuất khẩu, đã thu được nhiều lợi ích từ sự mất giá của đồng euro, là bước đệm để khẳng định vị thế đứng đầu trong khối EU. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, địa vị đó có vẻ như đã được “củng cố” thêm khi Đức hy sinh mối quan hệ truyền thống bền chặt với Nga. Chính giới Đức đã công khai bày tỏ quan điểm mới của Berlin. Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier từng nói rằng, Đức cần phải đảm nhiệm vai trò ngày một mở rộng và quyết đoán trong nhiều vấn đề quốc tế - một chính sách được cho là “Trách nhiệm mới” nhằm khẳng định quyền lực lãnh đạo của Berlin trong EU.
Sự khác biệt về thang giá trị, cách nhìn nhận cũng chi phối bước trầm trong quan hệ Nga - Đức, nhất là liên quan đến vấn đề Ukraine. Ở góc độ này, một nước Đức hùng mạnh hơn đứng trước 2 sự chọn lựa: Có thể lãnh đạo châu Âu trong một nỗ lực trung gian hòa giải cho khủng hoảng Ukraine và thu được những lợi ích từ mối quan hệ ngày một tin cậy với Nga; hoặc là cần phải thể hiện quan điểm, lời nói cứng rắn hơn, với luận điểm Điện Kremlin đã “vượt giới hạn đỏ”.
Giới hạn đó chính là tính hợp pháp của việc Crimea sáp nhập vào Nga - được xem là đối lập với các giá trị của EU, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đức tại Viện Khoa học Hàn lâm Liên bang Nga bình luận. Dư luận Đức cũng ủng hộ xu hướng này. Thăm dò dư luận mới nhất do kênh truyền hình ZDF tiến hành hôm 28/11 cho thấy, 58% người Đức được hỏi ủng hộ EU cấm vận Nga, tăng so với tỉ lệ 42% một tháng trước đó. Ngoài ra, có đến 76% người được hỏi ủng hộ việc bà Merkel thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Nga. Thủ tướng Đức được cho là sẽ còn tiếp tục xu hướng “căng” với Moskva trong ít nhất là từ 3 – 4 tháng nữa, đến thời điểm EU xem xét liệu có hay không áp đặt các lệnh cấm vận chống Nga.
Cuối cùng, quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo Nga - Đức là một tác nhân quan trọng. Chuyên gia Tatyana Stanovaya thuộc Trung tâm Công nghệ chính trị ở Moskva bình luận, tính cách cá nhân của bà Merkel có ảnh hưởng lớn đến sự chuyển động trong quan hệ song phương Nga - Đức. “Thủ tướng Merkel không thích con người Putin, vì thế bà ấy hay tin rằng không thể đạt được bất kì thỏa thuận nào với Nga tại thời điểm này với cơ cấu lãnh đạo như hiện nay”. Nếu như người tiền nhiệm Gerhard Schroeder từng ví ông Putin là “nhà dân chủ không tì vết”, thì đương kim Thủ tướng Đức lại coi ông chủ Kremlin là người “đến từ thế giới khác”.
Hoài Thanh (Theo The Moscow Times)