Sáng 26/7 (giờ địa phương), một nhóm cận vệ của Tổng thống Niger đã phong tỏa mọi lối ra vào Phủ Tổng thống. Sáng 27/7, nhóm binh sĩ xuất hiện trên truyền hình Niger tuyên bố Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị phế truất. Nhóm binh sĩ tuyên bố "đóng cửa biên giới và giới nghiêm toàn quốc".
Ông Bazoum được bầu làm Tổng thống Niger năm 2021. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã trao đổi qua điện thoại với ông Bazoum qua điện thoại hôm 26/7 và vào ngày hôm sau chia sẻ với các phóng viên rằng ông “cực kỳ lo lắng” về tình hình ở Niger. Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk kêu gọi thực thi các nỗ lực nhằm khôi phục trật tự hiến pháp và pháp quyền. Ông Turk hối thúc trả tự do ngay lập tức và đảm bảo an toàn cho Tổng thống Bazoum.
Trước tình hình hiện nay, ông Paul Melly tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cho biết chính phủ Niger đã “khá cởi mở về mặt đối thoại và vừa ý cả trong nước và các đối tác quốc tế. Vì vậy, khá nhiều thứ đang bị đe dọa ở đây”.
Niger là “căn cứ” của các hoạt động quân sự quốc tế trong nhiều năm khi các phần tử Hồi giáo cực đoan mở rộng phạm vi hoạt động của chúng ở vùng Sahel. Những nhóm này bao gồm Boko Haram ở nước láng giềng Nigeria và Chad. Tuy nhiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Đại Sahara cùng nhán của al-Qaida là Jama'at Nusrat al-Islam wal –Muslimin lại được coi là mối đe dọa trực tiếp hơn.
Tại Niger có căn cứ quân sự của Pháp và Mỹ, tiền đồn hậu cần của Đức. Bên cạnh đó, Đức, Italy cùng Canada đã tham gia vào việc huấn luyện các lực lượng đặc nhiệm của Niger. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Niger đã đạt 202 triệu USD vào năm 2021.
Mỹ vào đầu năm 2021 cho biết từ kể 2012 nước này đã cung cấp cho Niger hơn 500 triệu USD trong các chương trình đào tạo và hỗ trợ quân sự. Liên minh châu Âu đầu năm nay còn phát động một nhiệm vụ huấn luyện quân sự trị giá 27 triệu euro tại Niger.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Niger vào tháng 3 để tăng cường quan hệ và công bố hỗ trợ trực tiếp 150 triệu USD đồng thời gọi quốc gia này là “một mô hình dân chủ”. Pháp đã chuyển hơn 1.000 binh sĩ tới Niger sau khi rút khỏi Mali vào năm ngoái.
Mỹ vốn vận hành máy bay không người lái từ một căn cứ nước này xây dựng ở phía Bắc xa xôi của Niger để nỗ lực chống khủng bố ở vùng Sahel rộng lớn. Số phận của căn cứ đó và các địa điểm hoạt động khác của Mỹ tại Niger sau cuộc đảo chính vẫn khá mờ mịt.
Niger là nơi diễn ra một trong những cuộc chạm trán nguy hiểm nhất đối với lực lượng Mỹ ở châu Phi trong những năm gần đây. Cuộc phục kích của những kẻ cực đoan vào năm 2017 khiến 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Các nhà quan sát cho rằng vùng Sahel của Tây Phi đã trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất do cực đoan. Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời ộng Omar Touray, Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) chia sẻ với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 7 rằng khu vực này đã ghi nhận hơn 1.800 vụ tấn công cực đoan trong sáu tháng đầu năm nay, khiến gần 4.600 người thiệt mạng. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra tại Burkina Faso và Mali, 77 trường hợp tại Niger. Các nhà quan sát cũng cảnh báo rằng mối đe dọa cực đoan cũng đang mở rộng về phía Nam tới các quốc gia như Ghana và Bờ Biển Ngà.
Do đó, cuộc đảo chính ở Niger mang lại nhiều bất an hơn. Đáng chú ý, chính quyền Mali vào tháng trước đã ra lệnh cho phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm 15.000 người rời đi.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến toàn bộ vành đai phía Nam sa mạc Sahara trở thành một khu vực cực kỳ khó giải quyết”.
Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đang phải vật lộn với biến đổi khí hậu cùng với những người di cư từ khắp Tây Phi đang cố gắng vượt qua sa mạc Sahara để tới châu Âu. Nước này đã nhận hàng triệu euro đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực hạn chế di cư qua những kẻ buôn lậu.