Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 11/7 cảnh báo hội chứng COVID kéo dài đang trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội, thậm chí có khả năng phá vỡ thị trường lao động. Nghiên cứu cho thấy khoảng 14-30% bệnh nhân mắc COVID-19 có ít nhất một triệu chứng của COVID kéo dài trong vòng 90 ngày kể từ khi phục hồi, với những triệu chứng điển hình nhất là khó thở, mệt mỏi và đau ngực.
Theo thống kê mới đây của một công ty bảo hiểm y tế của Đức, trong số những người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 trong năm 2020, có gần 1% đã nghỉ ốm trong năm 2021 do các triệu chứng COVID kéo dài và thời gian nghỉ ốm tương đối dài, trung bình 105 ngày.
Giới chuyên gia đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng COVID kéo dài và cũng như tại sao một số người mắc COVID kéo dài còn số khác lại không.
Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 và số ca nhập viện hiện nay đang cao hơn so với cùng kỳ trước đó, trong khi Đức đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có các quy định về đi lại, vào quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ. Các lễ hội và các sự kiện khác cũng đang diễn ra trở lại.
Tỷ lệ mắc COVID-19 cao đột biến trong những ngày qua đang gây áp lực đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức, do một lượng lớn nhân viên phải nghỉ việc do mắc bệnh. Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc tích cực của Đức (DIVI) Gernot Marx cho biết có tới 55% các khoa điều trị tích cực (ICU) đang hoạt động hạn chế do thiếu nhân viên, đặc biệt nhiều ca phẫu thuật bị hoãn và nhiều cơ sở đang phải sắp xếp lại nhân viên
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày liên tục gia tăng trong những ngày qua, dao động từ 120.000-150.000 ca/ngày, người đứng đầu ngành y tế Đức Lauterbach kêu gọi sẵn sàng mọi tình huống, trong đó bộ y tế sẽ sớm đưa ra các biện pháp hạn chế vào mùa Thu trước khi mùa Hè kết thúc.