Mức thuế quan mới của Mỹ sẽ gây thiệt hại nặng nề nhất cho các nhà sản xuất ô tô, thực phẩm và xây dựng, nhưng người tiêu dùng Mỹ, Mexico và Canada cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.
Canada và Mexico tuyên bố sẽ đáp trả bằng thuế quan của riêng họ, tạo tiền đề cho cuộc chiến kinh tế sẽ lan rộng trên khắp các thị trường trong những tuần tới.
Các mức thuế mới và lý lẽ của Mỹ
Mỹ thông báo sẽ áp thuế suất 25% đối với hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, và mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Dầu mỏ từ Canada bị đánh thuế ở mức thấp hơn là 10%. Các mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/2. Lý giải cho hành động của mình, ông Trump cho biết mục đích của các mức thuế quan mới là để ngăn chặn ‘mối đe dọa lớn’ do dòng người di cư và ma túy vào Mỹ qua biên giới với Canada và Mexico.
Trung Quốc đã đồng ý hành động để ngăn chặn dòng tiền chất tại hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại San Francisco vào năm 2023. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cho rằng động thái của Trung Quốc là chưa đủ.
Phản ứng của Canada, Mexico và Trung Quốc
Vào tối 1/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố mức thuế đáp trả là 25% đối với hàng hóa trị giá 155 tỷ CAD (107 tỷ USD) của Mỹ. Ông cho biết ‘mức thuế quan sâu rộng’ sẽ đánh vào bia, rượu vang, rượu bourbon, trái cây, nước ép trái cây, nước hoa, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, dụng cụ thể thao, gỗ và nhựa của Mỹ. Ông nói thêm rằng Ottawa cũng đang xem xét ‘các biện pháp phi thuế quan’ liên quan đến những khoáng sản quan trọng, phối hợp với các chính quyền tỉnh.
Mexico cũng tuyên bố sẽ áp thuế đáp trả đối với hàng hóa của Mỹ, tuy nhiên không nêu rõ quy mô hoặc mục tiêu.
Vào cuối năm 2024, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum từng ám chỉ về việc nước này sẽ áp thuế đáp trả sau những cảnh báo thuế quan ban đầu của ông Trump. Những người hiểu rõ vấn đề này cho biết nước này đã chuẩn bị cái mà họ gọi là thuế quan ‘băng chuyền’, trong đó các sản phẩm bị nhắm mục tiêu liên tục trong nhiều tháng, nhằm vào các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ. Trước đó, trong cuộc tranh chấp năm 2018 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, Mexico đã nhắm mục tiêu vào thép và những sản phẩm nông nghiệp như thịt lợn, táo và pho mát.
Trung Quốc vẫn chưa nêu rõ sẽ phản ứng thế nào với các hành động này. Bắc Kinh cho biết vào ngày 2/2 rằng họ ‘kiên quyết lên án và phản đối động thái này’ và sẽ thực hiện ‘những biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ quyền và vấn đề của mình’.
Trong giai đoạn từ tháng 1 - 11/2024, các công ty Mỹ đã xuất khẩu tổng cộng 763 tỷ USD hàng hóa sang ba quốc gia này, trong đó 17% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Canada, 16% sang Mexico và 7% sang Trung Quốc.
Những ngành công nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng?
Các nhà sản xuất ô tô, sản xuất thực phẩm và lĩnh vực xây dựng vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại xuyên biên giới nằm trong số những ngành có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, đặc biệt là ‘Ba ông lớn’ truyền thống là Ford, General Motors và Stellantis, đã mở rộng sản xuất trên cả ba quốc gia Bắc Mỹ. Các nhà cung cấp ô tô Mỹ cũng sản xuất hàng hóa tại Mexico, từ ghế ngồi đến trục xe. Khoảng 16% giá trị của một chiếc ô tô do Mỹ sản xuất có nguồn gốc từ công việc được thực hiện tại Mexico hoặc Canada.
Các nhà sản xuất ô tô có hoạt động tại Mexico và Canada sẽ phải đối mặt với việc hấp thụ chi phí hoặc tăng giá cho người tiêu dùng. Chuyên gia Daniel Roeska tại công ty phân tích chứng khóa Bernstein cho biết, mức thuế nhập khẩu mới áp dụng đối với hàng hóa từ Canada và Mexico có thể sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc và Nhật Bản đang bán trên thị trường Mỹ.
Thực phẩm nhập khẩu từ cả Canada và Mexico sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Mỹ đã nhập khẩu hơn 45 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp từ Mexico vào năm 2023, bao gồm dâu tây, quả mâm xôi, cà chua và thịt bò; và 40 tỷ USD khác đến từ Canada, bao gồm thịt bò, thịt lợn, ngũ cốc, khoai tây và cải dầu.
Vật liệu xây dựng cũng sẽ phải chịu áp lực, với khoảng một phần ba gỗ xẻ mềm sử dụng tại Mỹ được nhập khẩu từ Canada. Canada và Mexico cộng lại cũng chiếm hơn 1/5 lượng xi măng nhập khẩu của Mỹ.
Phần lớn chi phí tăng do thuế quan sẽ được chuyển cho người tiêu dùng Mỹ, ông James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng tại Mỹ của tập đoàn ING cho biết.
Lĩnh vực nào đã thoát hiểm?
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Canada đã tránh được mức thuế tồi tệ nhất của ông Trump khi chỉ phải chịu mức thuế 10% vì Nhà Trắng đã tìm cách hạn chế tác động lạm phát đối với người lái xe Mỹ.
Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu dầu thô để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của mình, với khoảng 40% dầu thô tinh chế trong nước đến từ nước ngoài, trong số đó, 60% đến từ Canada và 11% đến từ Mexico. Do vậy, chi phí nhập khẩu dầu thô tăng đáng kể sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho người dân Mỹ.
Chet Thompson, người đứng đầu nhóm công nghiệp lọc dầu American Fuel & Petrochemical Manufacturers, cho biết ông hy vọng các bên sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận chấm dứt mọi mức thuế đối với ngành này trước khi người tiêu dùng cảm nhận được tác động.
Thông báo hôm 1/2 không đề cập đến Liên minh châu Âu (EU), nhưng ông Trump đã nói vào ngày hôm trước rằng ông chắc chắn có kế hoạch nhắm mục tiêu rất đáng kể vào khối này bằng các mức thuế mới trong tương lai.
Thuế quan của Mỹ sẽ kéo dài bao lâu?
Nhà Trắng cho biết mức thuế quan mới sẽ được áp dụng cho đến khi cuộc khủng hoảng nhập cư và ma túy được xoa dịu. Nhưng các nhà phân tích cho biết những mức thuế này đang thử nghiệm phạm vi quyền hạn của tổng thống và có khả năng sẽ bị thách thức tại tòa án.
Ông Trump đã sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để áp mức thuế quan mới, đánh dấu lần đầu tiên luật này được sử dụng để áp thuế đối với các quốc gia.
Greta Peisch, đối tác tại công ty luật Wiley Rein và là cựu cố vấn thương mại của Chính phủ Mỹ, cho biết động thái này không chỉ là một hành động áp thuế mạnh mẽ về quy mô và phạm vi mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ về quyền hạn của tổng thống trong việc áp đặt các mức thuế đó. Một lần nữa, ông đã tạo bước đột phá mới và đang thử nghiệm ranh giới của các thẩm quyền thương mại do Quốc hội ủy quyền.
Ông Trump từng cảnh báo áp dụng thuế quan rộng rãi đối với Mexico vào năm 2019 vì các vấn đề nhập cư, viện dẫn IEEPA, nhưng cuối cùng đã không sử dụng. Trước đó, Tổng thống Richard Nixon đã sử dụng tiền thân của IEEPA, Đạo luật Giao dịch với Kẻ thù năm 1917, để áp dụng tạm thời mức thuế quan 10% đối với các đối tác thương mại của Mỹ.