Theo Liên hợp quốc (LHQ), số người từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 761 triệu người vào năm 2021 lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Đến năm 2030, số người cao tuổi toàn cầu dự kiến sẽ vượt quá số thanh thiếu niên và gấp đôi số trẻ em dưới 5 tuổi, làm tăng đáng kể nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xã hội toàn diện cho người cao tuổi, đồng thời đặt ra các thách thức về kinh tế.
Với chủ đề: “Già đi với phẩm giá: Tầm quan trọng về tăng cường hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho người cao tuổi trên toàn thế giới”, Ngày Quốc tế Người cao tuổi 2024 muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy điều kiện sống lành mạnh cho người cao tuổi, tôn trọng phẩm giá, niềm tin, nhu cầu và quyền riêng tư, cũng như quyền được quyết định về việc chăm sóc và chất lượng cuộc sống, quyền đóng góp cho xã hội của người cao tuổi.
Các số liệu thống kê cho thấy sau châu Âu và Mỹ, dân số khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của LHQ (UNESCAP) dự báo tỷ lệ người dân từ 60 tuổi trở lên ở các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng hơn 2 lần, từ 13,6% dân số của năm 2020 lên 25% vào năm 2050. Những người từ 80 tuổi trở lên sẽ chiếm 20% tổng dân số già của khu vực.
Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với hơn 29%. Số người trên 65 tuổi ở nước này đã lên mức cao kỷ lục 36,25 triệu người vào năm 2024, tăng 20.000 người so với năm trước đó. Tại Hàn Quốc, dự kiến tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ vượt quá 20% vào năm 2025 và kỷ nguyên của xã hội siêu già của nước này sẽ chính thức bắt đầu. Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vừa phải, với người từ 65 tuổi trở lên chiếm 15,4% tổng dân số, tăng tới 4% chỉ trong 5 năm, tính đến cuối năm 2023. Dân số Singapore cũng đang già đi nhanh chóng. Dự báo đến năm 2030, dân số từ 65 tuổi trở lên tại "đảo quốc Sư tử" sẽ tăng lên mức khoảng 25%. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sẽ sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038.
Xu hướng thay đổi cấu trúc nhân khẩu học buộc các nước phải có sự điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu về sức khỏe và an sinh xã hội cho người cao tuổi. Năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn cho tất cả các địa phương về việc xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi cơ bản vào năm 2025, yêu cầu tất cả các tỉnh phải triển khai danh sách các dịch vụ chăm sóc cơ bản bao gồm hỗ trợ vật chất, điều dưỡng và chăm sóc. Các địa phương phải cung cấp dịch vụ thăm hỏi và chăm sóc những người già sống một mình và cho các gia đình gặp khó khăn về tài chính. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi mới sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn của chính phủ, trong khi các cơ sở cũ sẽ được cải tạo để cung cấp môi trường an toàn, thuận tiện và thoải mái.
Để cách mạng hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, thành phố Thượng Hải đã khởi động kế hoạch tập trung vào việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các loại robot phục hồi chức năng, robot điều dưỡng và robot bạn đồng hành,... sẽ được triển khai để hỗ trợ người cao tuổi trong sinh hoạt cá nhân, tập luyện phục hồi chức năng và giải trí. Việc ứng dụng AI và robot được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho nhân viên điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, để giải quyết vấn đề chi phí chăm sóc và nhu cầu y tế tăng cao, cùng tình trạng thiếu hụt lao động và chuyên gia, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã tăng cường số hóa, thúc đẩy chăm sóc y tế tại nhà, bao gồm cả việc sửa đổi hướng dẫn y tế từ xa cho phép chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bằng công nghệ viễn thông. Tương tự, Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ và chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế, như triển khai hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn để giúp trang trải chi phí chăm sóc người cao tuổi và tăng tài trợ cho việc phát triển các viện dưỡng lão chuyên khoa.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang đẩy mạnh, tăng cường hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực chăm sóc người cao tuổi, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển các mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa.
Tuổi thọ cao hơn một mặt đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhưng mặt khác cũng đem đến nhiều cơ hội, không chỉ cho người cao tuổi và gia đình họ, mà còn cho toàn xã hội. Từ năm 2018, Nhật Bản đã đưa ra hướng dẫn khuyến khích người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động, thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu trong một số ngành. Năm 2023, gần 40% số doanh nghiệp đã cho phép nhân viên làm đến 70 tuổi. Trong lĩnh vực xây dựng và bán lẻ, lao động trên 65 tuổi chiếm hơn 10% lực lượng lao động. Tại Hàn Quốc, năm ngoái, số lượng nhân viên từ 60 tuổi trở lên lần đầu tiên cao hơn những người từ 15 - 20 tuổi trong ngành sản xuất - vốn được coi là ngành đòi hỏi lao động chân tay nên người trẻ tuổi được đánh giá có nhiều năng lực hơn.
Để giúp người cao tuổi thích nghi và phát triển tốt hơn trong thời đại số, Bộ Phát triển Xã hội và An sinh con người Thái Lan dự định sẽ phối hợp cùng một số tổ chức, trường đại học cung cấp các khóa học về công nghệ dành cho người cao tuổi tại gần 2.460 trường học trên cả nước. Những biện pháp này không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, giảm bớt gánh nặng cho quỹ lương hưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của “nền kinh tế bạc”.
Ngoài vấn đề tài chính và sức khỏe, nhu cầu thụ hưởng, tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi cũng cần được quan tâm. Đây cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm dịch vụ dành riêng cho nhóm này. Đầu năm nay, Quốc vụ viện Trung Quốc đã lần đầu tiên ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tích cực cung cấp các mặt hàng và mô hình chăm sóc y tế, hỗ trợ người già và cải thiện hệ thống viện dưỡng lão. Nhiều công ty đã ra mắt nhiều loại sữa và thực phẩm dinh dưỡng dành cho người già, trong khi các khóa học và hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu cao tuổi cũng nở rộ.
Tại Hàn Quốc, các công ty lớn như Naver và SK Telecom, cũng như các công ty khởi nghiệp, đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi trong một lĩnh vực mà Viện Phát triển ngành Y Hàn Quốc (KHIDI) ước tính có giá trị 72.800 tỷ won (59,7 tỷ USD) vào năm 2020. SK Telecom, nhà mạng không dây lớn nhất nước này, đã giới thiệu NUGU opal, một loa AI có chức năng nhận dạng giọng nói đóng vai trò là người chăm sóc kỹ thuật số tại nhà 24 giờ. Các dịch vụ bao gồm chương trình rèn luyện trí não, kéo giãn và tập thể dục, nhắc nhở uống thuốc và các cảnh báo khác… Sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc tại nhà dành cho người cao tuổi cần hỗ trợ trực tiếp cũng giúp họ có thêm lựa chọn, thay vì vào viện dưỡng lão.
Nhận thấy tiềm năng sinh lời từ “nền kinh tế bạc”, ngày càng nhiều cơ sở tại Thái Lan được thành lập nhằm phục vụ những yếu tố cơ bản hỗ trợ cuộc sống của người cao tuổi, tập trung giải quyết nhu cầu của người cao tuổi về thực phẩm, nhà ở, thuốc men, ổn định tài chính, sức khỏe thể chất và tinh thần. Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ người cao tuổi của chính phủ, các doanh nghiệp Thái Lan cũng đang từng bước chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng như hiện nay, nhu cầu sức khỏe, tài chính, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm người cao tuổi ngày càng trở nên quan trọng. Việc các chính phủ điều chỉnh chính sách y tế, hạ tầng, hỗ trợ chú trọng đến người cao tuổi, các doanh nghiệp hướng đến nhu cầu, thị hiếu của nhóm này, cũng như sự quan tâm của toàn xã hội sẽ góp phần thúc đẩy “kinh tế bạc” tăng trưởng, đảm bảo sự phát triển hài hòa, liên tục và bền vững.