Sự thật kinh hãi đằng sau những cái chết của chim biển

Midway Atoll, một hòn đảo xa xôi thuộc Thái Bình Dương đang cho chúng ta thấy một cảnh tượng hãi hùng sau cái chết của những con chim biển.

Mùi hôi thối bốc lên từ xác chết của hàng nghìn con chim đang thối rữa, quyện quánh với mùi tanh nồng của rác thải từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về đây. Đó là những gì mà phóng viên cảm nhận được ngay khi vừa đặt chân đến Midway Atoll, một hòn đảo xa xôi thuộc Thái Bình Dương.


Mặt nước bị phủ kín bởi các mảnh nhựa đủ màu sắc, các nút chai và vô vàn vỏ chai được con người trút xuống biển sau khi sử dụng. Hầu hết số phế liệu này trôi dạt từ Mỹ và Trung Quốc đến đây, chúng kết lại với nhau trông giống như một ván nhựa khổng lồ kéo dài giữa Thái Bình Dương.

Trên bờ cát cũng vậy, nếu bạn thử ngồi xuống, đưa tay vào cát nóng, bạn có thể kéo lên một mảng màu sặc sỡ vì những hạt nhựa nhỏ li ti đang trộn lẫn với cát và bị nóng chảy dưới nhiệt độ cao. Đây là thứ cát mà các nhà khoa học gọi là “cát mới”, nó được tạo nên từ các mảnh nhựa sau quá trình bị va đập, chúng tạo ra những hạt nhựa rất nhỏ trộn lẫn với cát và sau đó trở thành một phần của bờ biển này.

Các loài chim biển nơi đây đã nhầm tưởng những mảnh nhựa màu sắc rực rỡ đó là thức ăn của chúng. Không chỉ có chim bố, chim mẹ mà các con của chúng cũng ăn phải thứ đồ ăn nguy hiểm này khi chúng mang “mồi” về cho các con. Do không thể tiêu hóa được những mảnh nhựa đó, các con chim luôn cảm thấy no nhưng dần dần chúng lâm vào tình trạng suy kiệt dinh dưỡng và chết. 

Bên trong bộ xương khô của những con hải âu nằm la liệt trên đảo, người ta phát hiện thấy nhiều mảnh nhựa đủ màu sắc, nút chai và cả những chiếc bật lửa. Điều này chứng tỏ, nhựa là món ăn thường ngày của chúng.

Những mảnh nhựa đủ màu sắc bên trong xác một con chim hải âu. Ảnh: CNN


Nhựa là thức ăn hàng ngày của các con chim nơi đây. Ảnh: CNN


Không chỉ có mảnh nhựa, bật lửa cũng được phát hiện trong xác của  con chim này. Ảnh: CNN


Những mảnh nhựa không thể tiêu hóa được. Ảnh: CNN


Nhựa là nguyên nhân gây ra cái chết của những con chim nơi đây. Ảnh: CNN


Chúng đều có một kết cục chung. Ảnh: CNN

Các nhà khoa học cũng khẳng định nhựa là chất dễ hấp thu các chất gây ô nhiễm khác, do vậy, nó tác động trực tiếp lên nguồn thức ăn của chúng ta. Thủy hải sản là một trong những nguồn thực phẩm quan trọng, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nguồn thực phẩm này đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của con người. Theo các nhà khoa học, nhựa là chất liệu vô cùng khó phân hủy, hầu hết những vật dụng nhựa từ xa xưa vẫn tồn tại đến ngày nay. Mỗi năm con người trút xuống biển hơn 8 triệu tấn nhựa phế thải. Hiện trong đại dương đang tồn tại hơn 5.000 tỷ mảnh nhựa và dự báo đến năm 2050, số lượng nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn số lượng cá hiện nay.

Phần nhỏ hơn của các hạt nhựa được các nhà khoa học gọi là vi nhựa hay nano nhựa, chúng chìm sâu vào đại dương, lơ lửng trong nước hoặc bám vào sinh vật phù du. Sinh vật phù du là nguồn thức ăn của cá và các động vật biển khác, trong khi cá và các động vật biển lại là một trong những nguồn thực phẩm chính của con người. Các nhà khoa học Thụy Điển đã chứng minh ấu trùng sinh trưởng trong vùng biển bị ô nhiễm nhựa có xu hướng thích ăn các chất nhựa và bỏ qua nguồn thức ăn tự nhiên.

Qua quá trình nghiên cứu và theo dõi, các nhà khoa học phát hiện ra rằng ở một số loài động vật biển đang tồn tại hàm lượng chất vi nhựa rất cao, đặc biệt là ở những con đực trưởng thành. Việc thường xuyên ăn các chất vi nhựa làm động vật biển bị còi cọc, suy giảm tỷ lệ sinh sản và gây ra những hành vi bất thường ở các con non.

Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh nhựa rất có hại đối với con người, nó là một trong những chất gây ra căn bệnh ung thư. Do vậy các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu những tác hại của rác nhựa đối với sinh vật biển và có kế hoạch để khởi động một cuộc điều tra về ảnh hưởng của những sinh vật nhiễm nhựa đối với sức khỏe con người.

Hải Ngọc (Theo CNN)
Ô nhiễm và khói mù trầm trọng ở Ấn Độ
Ô nhiễm và khói mù trầm trọng ở Ấn Độ

Thủ hiến bang Delhi của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng khói mù dày đặc và chất lượng không khí tồi tệ hơn khi chạm mốc gấp 16 lần so với mức an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN