Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ông Sok Sensan cho biết, mọi người đều nhận thấy tác động của làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 lần thứ ba, nhưng có thể phải chờ đến cuối năm mới có thống kê hay đánh giá về mức độ thiệt hại.
Sự cố cộng đồng ngày 20/2 được cho là bắt đầu xảy ra với vụ việc 4 người Trung Quốc nhiễm virus SARS-CoV-2 trốn cách ly khỏi khách sạn Sokha ở thủ đô Phnom Penh và đi tới nhiều địa điểm, làm nhiều người bị lây nhiễm COVID-19. Campuchia đã có nhiều biện pháp để khôi phục kinh tế, nhưng hiện tại vẫn chưa biết được tác động của sự cố trên lớn như thế nào.
Trong khi đó, hơn một tháng sau "sự cố cộng đồng ngày 20/2", Phó Viện trưởng thứ hai Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) Chheng Kimlong cho rằng kinh tế Campuchia có thể chịu thiệt hại hơn 250 triệu USD từ sự cố trên.
Theo ông Kimlong, dựa trên tính toán về nguồn thu trung bình của Chính phủ Campuchia mỗi tháng trong năm 2020, AVI đã ước tính nguồn thu tương ứng mỗi tháng đầu năm 2021 và từ đó tính đến mức thiệt hại do sự cố trên gây ra. Nếu tình hình này kéo dài thì gánh nặng lên nền kinh tế là rất lớn.
Nếu Campuchia có thể kiểm soát đợt dịch này trong tháng 5/2021, hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào tháng 7 hoặc tháng 8/2021. Tuy nhiên, nếu chính phủ nước này không kiểm soát được đại dịch trong 2 - 3 tháng tới, thiệt hại kinh tế sẽ còn lớn hơn.
Cũng về vấn đề này, ông Youk Chamroeunrith, Giám đốc điều hành Công ty bảo hiểm Forte Insurance cho rằng đại dịch COVID-19 đặc biệt ảnh hưởng đến khả năng tài chính của các cá nhân, khiến khoảng 80% người mua bảo hiểm của công ty này không thể trả tiếp phí bảo hiểm vào cuối năm nay.
Kết quả điều tra do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố về tác động của dịch COVID-19 đối với "túi tiền" của người Campuchia cũng cho thấy 35% người dân nước này bị giảm thu nhập từ 26 - 50% và điều này ảnh hưởng đến chi tiêu của họ. Trong tổng số 1.026 người Campuchia trong diện điều tra ở cả khu vực thành thị và nông thôn, 77% cho biết thu nhập hộ gia đình của họ bị giảm sút.