Trước Spotify, mạng xã hội Twitter đã cấm hầu hết các quảng cáo chính trị trong khi Google cũng quyết định siết chặt quản lý các quảng cáo. Hãng cho biết quyết định này đưa ra sau khi nhận thấy không đủ khả năng nhận biết và sàng lọc các thông tin giả mạo.
Spotify có khoảng 130 triệu người dùng, trong đó nhiều người đã đăng ký theo dõi kênh hỗ trợ quảng cáo của nền tảng này. Dù có trụ sở đặt ở Thụy Điển, nhưng hầu hết người dùng và các hoạt động của nền tảng này là ở Mỹ.
Thông báo của Spotify nêu rõ, từ đầu năm 2020, hãng sẽ tạm ngừng các dịch vụ quảng cáo chính trị, gồm các nội dung quảng cáo chính trị trong các trang hỗ trợ quảng cáo và trong các chương trình âm thanh (podcast) nguyên gốc và đặc biệt của hãng. Hiện Spotify chưa có những trang bị cần thiết cho các quy trình, các hệ thống và các công cụ để có thể đánh giá và xác nhận những thông tin này một cách hợp lý.
Spotify không công bố doanh thu từ quảng cáo chính trị nhưng các nhà chiến lược chính trị coi dịch vụ nhạc số này là một nền tảng quan trọng để tiếp cận với các cử tri trẻ. Các nền tảng trực tuyến nói chung thời gian qua chịu nhiều áp lực phải ngăn chặn tình trạng lan truyền thông tin sai sự thực, trong đó có rất nhiều tuyên bố giả mạo là của các chính trị gia có ảnh hưởng trước thềm cuộc bầu cử Mỹ 2020.
Facebook, mạng xã hội hàng đầu thế giới và cũng là một nền tảng được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực quảng cáo chính trị, có quan điểm không can thiệp những phát ngôn và quảng cáo chính trị vì cho rằng nên để công chúng và báo giới kiểm chứng những tuyên bố giả mạo. Hồi tháng 11, Google tuyên bố sẽ giới hạn các nhà quảng cáo chính trị trong việc nhắm tới một nhóm người dùng nhất định, dựa theo các tiêu chí như độ tuổi, giới tính và mã bưu điện.