Nhìn lại thế giới 2021:

Sống chung với COVID-19 - Bài 2:  Bước ngoặt hướng tới 'bình thường mới'

"Chúng ta phải học cách sống chung với dịch... Tôi muốn nhấn mạnh rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc." Tuyên bố được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trước khi nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống dịch vào ngày 19/7 có thể coi là dấu mốc mở đầu cho “bước ngoặt” chiến lược trong cuộc chiến chống dịch năm 2021: thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 để hướng tới cuộc sống “bình thường mới” .

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thực tế mô hình chống dịch "Zero COVID", với các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, vốn đem lại hiệu quả tại nhiều nước năm 2020, đã không còn phát huy tác dụng khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, biến thể này chưa suy yếu thì đã có biến thể khác dễ lây lan hơn xuất hiện, khiến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường. Trong khi đó, các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đã "giáng một đòn mạnh" đối với kinh tế - xã hội, làm gián đoạn việc học, đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe và hoạt động xã hội.

Tại Australia, nơi có thành phố Melbourne với kỷ lục về thời gian phong tỏa dài nhất (262 ngày), các lệnh hạn chế phòng chống dịch, đặc biệt ở hai bang lớn nhất là New South Wales và Victoria, đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này khoảng 1,4 tỷ USD/tuần. Tại Pháp, hai tháng phong tỏa (từ 17/3 đến 11/5/2020), mỗi ngày nền kinh tế nước này mất đi 2 tỷ euro. Ước tính nếu phong tỏa toàn quốc, Ấn Độ sẽ thiệt hại 120 tỷ USD - tương đương 4% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 và các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà đã tạo động lực để hàng loạt quốc gia chuyển hướng coi COVID-19 là "pandemic" (đại dịch) sang "endemic" (bệnh đặc hữu). Điều này có nghĩa thay vì nỗ lực "quét sạch" COVID-19, các nước điều chỉnh sang mô hình "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường.

Mô hình mở cửa dần dần, từng bước và có cân nhắc cẩn trọng được áp dụng khá rộng rãi. Các nước không mở cửa hoàn toàn ngay lập tức mà chia theo từng giai đoạn, hoặc phân chia khu vực dân cư theo "bản đồ sắc màu" dựa trên tình hình dịch bệnh, chỉ cho phép những người đã hoàn thành tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được tự do đi lại, tham gia các hoạt động công cộng. Công nghệ trở thành trụ cột, tạo điều kiện thúc đẩy trạng thái bình thường mới, trong khi xu thế tiêu dùng, lao động của con người đã thay đổi cho phù hợp tình hình mới. Sống chung an toàn với COVID-19 cũng khiến con người thay đổi tư duy và lối sống.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Santa Monica, California. Ảnh: AFP/TTXVN

“Chìa khóa” để hướng tới cuộc sống bình thường chính là tiêm chủng đại trà. Trước sự tấn công của các biến thể mới, các nước cũng tích cực mở rộng đối tượng tiêm phòng, triển khai tiêm mũi tăng cường nhằm tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Tại Mỹ và các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, giấy chứng nhận tiêm chủng gần như trở thành “tấm vé” để người dân tham gia các hoạt động công cộng. Từ 1/7, các nước Liên minh châu Âu (EU) triển khai chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 chung, tạo điều kiện cho người dân đi lại trong khối. 

Tương tự, các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Australia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, từng áp dụng “Zero COVID” và kiểm soát dịch khá thành công trong năm 2020, cũng đã chuyển hướng sang “thích nghi, phát triển và sống chung lâu dài với COVID-19”. Với tỷ lệ tiêm chủng trong nước đạt 85%, Hàn Quốc đã thành lập “Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật” để giải quyết các vấn đề phát sinh khi trở lại với “cuộc sống bình thường mới”.

Singapore đạt mốc khoảng 85% dân số tiêm phòng đầy đủ vào tháng 5/2021, Thủ tướng Lý Hiển Long đã điều chỉnh chiến lược chống dịch bởi “không thể phong tỏa toàn quốc vô thời hạn vì điều này rất tốn kém, người dân không thể duy trì cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội”. Ông Alex Cook - Phó Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu thuộc Trường Y tế công Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng: “Có lẽ bài học rút ra từ Singapore là tạo điều kiện cho người dân tiêm vaccine phòng COVID-19… Chừng nào vaccine vẫn có tác dụng ngăn ngừa các ca bệnh nặng, tôi không cho rằng việc xuất hiện biến thể mới có thể dẫn đến việc Singapore phải xem xét lại chiến lược sống chung với COVID-19”.

Hiện nay, với tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho hơn 94% dân số đủ điều kiện, trong đó 26% đã tiêm mũi tăng cường, tỷ lệ tử vong tại Singapore đã giảm từ mức đỉnh điểm trung bình 2,57 ca/1 triệu dân xuống còn 1 ca/1 triệu dân trong 7 ngày hiện nay và có tới 99% số ca mắc mới đều là không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.

Cùng với việc triển khai quyết lược, đồng bộ Chiến lược vaccine, Chính phủ Việt Nam đã quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Sau 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hiện tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kinh tế dần phục hồi, có những khởi sắc. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam.

Chú thích ảnh
Khách du lịch trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 28/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước trong tháng 11 cũng tăng 5,5% so với tháng trước; tính chung 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành kiên trì thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, phấn đấu đến hết năm cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. 

Một trong những dấu ấn của chiến lược “sống chung an toàn” là việc các nước mở cửa lại biên giới, khôi phục hoạt động du lịch thông qua các mô hình "bong bong du lịch" hay "hành lang du lịch". Sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh, người dân tại nhiều các du lịch nổi tiếng thế giới đã chào đón những vị khách quốc tế đầu tiên.

Tại châu Á, Phuket (Thái Lan) là một trong những điểm đến nổi tiếng đầu tiên đón khách du lịch quốc tế. Chỉ sau khoảng 3 tháng thực hiện từ ngày 1/7, hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket đã đón 32.005 lượt du khách. Thành công bước đầu của chương trình thí điểm "Hộp cát Phuket" là tiền đề cho kế hoạch lớn hơn của Thái Lan. Sau 3 tháng, các chương trình “hộp cát du lịch” của Thái Lan đã thu hút được hơn 38.000 lượt khách du lịch nước ngoài và tạo ra doanh thu 2,33 tỷ baht (69 triệu USD). Tại Việt Nam, sau khi ban hành hướng dẫn và triển khai thí điểm mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 42,4% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã có thể mở cửa trở lại trường học nhờ việc thúc đẩy tiêm chủng cho các nhóm đối tượng, từ cha mẹ giáo viên, nhân viên trường học cho đến học sinh. Olympic và Paralympic Tokyo 2020, EURO 2020 đã được tổ chức sau 1 năm trì hoãn, như biểu hiệu sinh động cho xu thế thích ứng an toàn mà nhiều nước theo đuổi.

Có thể nói việc chủ động, linh hoạt điều chỉnh chiến lược ứng phó với COVID-19 đã tạo bước ngoặt giúp nhiều nước quay lại nhịp sống “bình thường mới” và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, quá trình "sống chung an toàn" với COVID-19 cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Sau khi các ca mắc biến thể mới Omicron được phát hiện ở miền Nam châu Phi, nhiều nước đã tái áp đặt các biện pháp mà WHO cho là thái quá và có thể tạo thêm gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân, như siết chặt kiểm soát, hạn chế nhập cảnh… Nhiều nước cũng đang hoãn các kế hoạch mở cửa, đẩy ngành du lịch nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung đối mặt với nguy cơ bị kéo lùi.

Chú thích ảnh
 Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron là lời cảnh báo về vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine. "Bài toán" phân phối công bằng vaccine vẫn chưa tìm ra lời giải, kéo theo độ bao phủ vaccine thấp và không đồng đều đang tạo ra các "lỗ hổng" giúp những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như Delta hay Omicron len lỏi và tấn công thế giới. Không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn. Nếu vaccine, thuốc điều trị và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết để các nước có thể chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19, thì công bằng vaccine và thuốc điều trị là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo hiệu quả của mô hình “sống chung”, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái“bình thường mới".

Ngọc Hà (TTXVN)
Sống chung với COVID-19 - Bài 1: Những đợt sóng dữ mang tên 'biến thể'
Sống chung với COVID-19 - Bài 1: Những đợt sóng dữ mang tên 'biến thể'

Năm 2021 là năm thứ hai đại dịch COVID-19 hoành hành, thế giới đối mặt với những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn, gây nhiều tổn thất hơn khi một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN