Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 140 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 16/4, trên thế giới có tổng cộng 139.968.780 ca mắc COVID-19 và 3.003.403 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu đang tiếp tục tăng mạnh và tiệm cận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. 

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 32.228.968 ca mắc và 579.039 ca tử vong. Đáng lo ngại, khoảng 1% trong số 77 triệu người đã tiêm chủng tại Mỹ - tức hơn 5.800 người, vẫn có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình trạng này có thể là do cơ thể người được tiêm chưa tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Trong số những người nói trên có 74 người đã tử vong, một số có bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng trong khi có 396 người phải nhập viện điều trị. CDC Mỹ khuyến cáo những người đã tiêm đủ liều vaccine cần theo dõi tình trạng cơ thể, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 14.382.582 ca mắc và 174.699 ca tử vong. Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 16/4 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 217.353 ca mắc COVID-19, mức tăng kỷ lục lần thứ 8 trong 9 ngày qua. Trong bối cảnh đó, tốc độ tiêm phòng COVID-19 hằng ngày tại Ấn Độ đang bị chậm dần do nguồn cung vaccine hạn chế và lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu của Mỹ. Hiện nước này chỉ còn khoảng 30 triệu liều vaccine, đủ tiêm cho 10 ngày. 

Đứng thứ 3 về số ca mắc COVID-19 trên thế giới là Brazil với 13.758.093 ca, trong đó có 365.954 ca tử vong. Hiện các bệnh viện công ở bang Sao Paulo - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đang thiếu hụt thuốc men cũng như vật tư y tế cho thủ thuật đặt ống nội khí quản trong điều trị các bệnh nhân COVID-19. 

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng dịu ở các nước điểm nóng như Thái Lan, Campuchia và Philippines. Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 1.582 ca COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 39.038 ca. Đến nay dịch đã lan ra toàn bộ 77 tỉnh của Thái Lan. Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan đã quyết định siết chặt các hạn chế phòng dịch trong 14 ngày, từ ngày 18/4, đồng thời lập hàng nghìn bệnh viện dã chiến và kêu gọi các khách sạn cung cấp thêm giường cho các bệnh nhân không có triệu chứng.

Tại Campuchia, trong thông điệp đặc biệt phát đi tối 16/4, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng thực thi những biện pháp nghiêm ngặt nhất để đảm bảo người dân ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) phải ở trong nhà 14 ngày, từ 0h ngày 15/4 tới ngày 28/4. Chính quyền tỉnh Preah Sihanouk cũng vừa ban bố lệnh đóng cửa khu chợ Phsar Leu lớn nhất tại tỉnh duyên hải phía Tây Nam nước này.

Còn tại Philippines, thêm 10.726 ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 914.971 ca, trong đó có 15.738 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn "nguy cấp" mặc dù nước này đã áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa siết chặt nhằm hạn chế hoạt động đi lại. 

Tại châu Âu, Đức đang chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Ngày 16/4, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo tình hình dịch bệnh trong nước đang "rất nghiêm trọng" khi số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực đã tăng mạnh ở mức cao nhất kể từ ngày 22/1 vừa qua. Bà kêu gọi Quốc hội Đức phê chuẩn dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm để có thể siết chặt các biện phòng dịch một cách thống nhất trên cả nước. 

Trong khi đó, một số quốc gia khác ở châu Âu lại đang nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi tình hình dịch bệnh có sự cải thiện. Cụ thể, Bồ Đào Nha có kế hoạch nối lại các chuyến bay tới Anh và Brazil trong giai đoạn 3 của việc nới lỏng các hạn chế, từ ngày 19/4. Còn Phần Lan thông báo sẽ cho phép tất cả các nhà hàng mở cửa trở lại vào tuần tới.

Tại Monaco, từ ngày 19/4, lệnh giới nghiêm sẽ được rút ngắn 1 giờ, bắt đầu từ 21h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Các nhà hàng đã mở cửa phục vụ khách ăn trưa, thì nay sẽ phục vụ cả bữa tối cho đến 21h30 song không được phép chơi nhạc và khách hàng phải rời nhà hàng vào lúc 22h để về nhà với giấy chứng nhận do chủ nhà hàng cấp.

Thụy Điển cũng sẽ nới lỏng hạn chế đối với người cao tuổi và công dân đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, Đan Mạch đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa lại. Từ ngày 21/4, các nhà hàng và quán bar được phép phục vụ khách hàng đến ăn, uống ở bên trong, người hâm mộ bóng đã có thể đến sân vận động cổ vũ, số người tham gia các cuộc tụ tập đông người ở ngoài trời cũng sẽ được tăng lên 50 người so với 10 người trước đây.

Phan An (TTXVN)
WHO: Biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ làm tăng khả năng lây nhiễm
WHO: Biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ làm tăng khả năng lây nhiễm

Biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, được phát hiện tại Ấn Độ, có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm hoặc thậm chí "giảm kháng thể trung hòa" do cơ thể sản xuất ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN