Từ đầu tháng 7 tới nay, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở Singapore tăng đột biến, theo đó số ca mắc mới trong cộng đồng ngày 19/7 tăng gần 2 lần so với một ngày trước. Singapore đang bước vào một làn sóng lây nhiễm mới với số ca mắc COVID-19 được dự báo sẽ còn tăng cao trong những tuần tới. Hầu hết các ca mắc mới này được ghi nhận ở hai ổ dịch lớn là quán karaoke và cảng cá Jurong.
Trên thực tế, các quán karaoke đã bị cấm hoạt động từ khi Singapore áp đặt các biện pháp phong tỏa chống dịch vào tháng 4/2020. Để hỗ trợ cho các chủ quán karaoke có thể trang trải phần nào tiền thuê mặt bằng và một số chi phí khác, kể từ tháng 11/2020, nhiều quán karaoke đã được cấp phép chuyển đổi hình thức sử dụng thành các cửa hàng ăn uống, với yêu cầu thực hiện các quy định phòng dịch nghiêm ngặt như chỉ 2 người ngồi ăn tại một bàn, không có sự giao lưu giữa các bàn và đương nhiên là không có các tiếp viên phục vụ.
Tuy nhiên, việc có tới gần 200 ca mắc mới COVID-19 trong một khoảng thời gian ngắn ở các quán karaoke chuyển đổi như vậy cho thấy quy định này không được tuân thủ. Bản thân sự hiện diện của các tiếp viên tại "những cửa hàng ăn uống chuyển đổi" đã nói lên tất cả. Có thể thấy, hàng trăm người, trong đó có chủ quán karaoke, nhân viên và khách hàng của quán, đã vi phạm pháp luật và các quy định phòng dịch, khiến dịch bệnh hoành hành.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý từ vụ việc này. Ban đầu, việc chuyển đổi các cơ sở kinh doanh karaoke này thành các cửa hàng ăn uống với mục đích để hỗ trợ các chủ doanh nghiệp trang trải được một phần chi phí. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ hơn, các quán karaoke này khó có khả năng đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một cửa hàng ăn uống khi mà hầu hết đều không có bếp hay đồ dùng để phục vụ đồ ăn nóng hay những phòng hát nhỏ và kín khi kê bàn ăn cũng khó đáp ứng đủ điều kiện giãn cách…
Việc quản lý được hoạt động bên trong các “phòng ăn” này cũng là một thách thức. Cảnh sát Singapore cũng đã thực hiện công việc kiểm tra, giám sát, nhưng với hàng trăm cơ sở hoạt động ban đêm như vậy thì nhiệm vụ này quả là không hề dễ dàng. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, số ca mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch này có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong những tuần tới, vì vẫn còn rất nhiều người do lý do cá nhân mà e ngại chưa tự nguyện đi làm xét nghiệm. Đây là nguy cơ tiềm ẩn.
Còn ổ dịch cảng cá Jurong lại là một câu chuyện khác. Theo Giám đốc phụ trách các dịch vụ y tế của Singapore Kenneth Mak, có 3 nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 lây lan ở địa điểm này. Thứ nhất, nguồn lây có thể từ ngoài biển vào, từ các tàu thuyền đánh cá của Indonesia hoặc các nước khác đưa cá vào cảng, sự lây nhiễm có thể diễn ra trong một khoảng thời gian và ở một số điểm, tuy nhiên cơ chế lây nhiễm vẫn chưa rõ ràng.
Thứ hai, virus có thể lây lan thông qua những bề mặt tiếp xúc bị nhiễm virus tại các quầy hàng. Môi trường nóng ẩm tại cảng cá cùng với việc người lao động làm việc nặng với cường độ cao khiến họ phải cởi bỏ khẩu trang hoặc đeo không đúng cách và có nhiều tiếp xúc gần cũng dễ làm lây lan virus. Và nguyên nhân thứ ba là có ít nhất một bệnh nhân làm việc tại cảng cá này thường xuyên đến ổ dịch karaoke.
Vì ổ dịch tại cảng cá Jurong mà hơn 10 chợ dân sinh và cửa hàng ăn uống đã phải đóng cửa để khử khuẩn và tất cả những người bán hàng ở những nơi này đều phải làm xét nghiệm COVID-19, khi những người bán hải sản và các chủ cửa hàng được cho là đến chợ đầu mối Jurong mua thực phẩm.
Từ đây lại bộc lộ một lỗ hổng khác trong công tác phòng chống dịch của Singapore. Khi mà tại hầu hết các điểm đến ở Singapore như trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở dịch vụ… những người đến các địa điểm này đều phải sử dụng thiết bị hay ứng dụng truy vết tiếp xúc thì tại các chợ dân sinh hay cửa hàng ăn uống, quy định này không được áp dụng. Vì vậy, khi có ca mắc COVID-19 được phát hiện tại những địa điểm này thì công tác truy vết trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Một điều đáng lưu ý là không giống như ở ổ dịch quán karaoke, bệnh nhân chủ yếu là những người trẻ, làn sóng virus hiện nay ở các khu chợ dân sinh và trung tâm ăn uống bao gồm diện đối tượng rộng hơn, trong đó có người cao tuổi. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở Singapore khi mắc bệnh.
Bộ Y tế Singapore đã khuyến cáo tất cả người cao tuổi không nên ra khỏi nhà trong vài tuần tới khi số ca mắc dự kiến tiếp tục tăng cao vì nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng của người cao tuổi cao hơn nhiều so với các nhóm đối tượng khác. Đồng thời, Bộ Y tế Singapore cũng thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm đối tượng này tiêm phòng vaccine như triển khai các đội tiêm chủng lưu động đến tận nhà, hoặc những người cao tuổi có thể đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào mà không cần đặt lịch trước.
Hiện Singapore có khoảng 200.000 người có độ tuổi từ 60 trở lên chưa tiêm phòng vaccine và họ có khả năng cao sẽ bị bệnh nghiêm trọng một khi mắc COVID-19. Theo đánh giá của Bộ Y tế Singapore, dựa trên tình hình hiện nay thì 10-15% trong số này nếu mắc bệnh sẽ phải thở máy. Hiện số bệnh nhân điều trị trong các bệnh viện của Singapore là khoảng 330 người. Nếu 10% của 200.000 người già bị mắc bệnh thì sẽ có khoảng 20.000 phải nhập viện và 2.000 đến 3.000 người phải thở máy. Như vậy, năng lực điều trị tại bệnh viện sẽ chịu sức ép đáng kể và điều đó ảnh hưởng đến các bệnh nhân. Trong khi đó, 30% số người trên 70 tuổi tại nước này vẫn chưa tiêm phòng vaccine. Đây là những con số đáng lo ngại.
Ngoài ra, biến thể mới Delta với tốc độ lây lan mạnh cũng là yếu tố làm gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Singapore. 96% số ca mắc COVID-19 trong tháng qua của Singapore nhiễm biến thể này. Giáo sư Ooi Eng Eong, nhà vi trùng học thuộc Trường Y Duke – Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn rất nhiều và các biện pháp từng có hiệu quả trước đây hiện nay có thể không còn phát huy tác dụng. Giới khoa học cũng cho rằng trong quá trình lây lan, biến thể Delta vẫn tiếp tục biến đổi và có thể kháng lại những loại vaccine hiện có. Hiện 50% dân số nước này đã được tiêm đủ 2 liều vaccine.
Trong bối cảnh đó, giới chức Singapore khẳng định bên cạnh việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, ý thức của người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch của chính phủ có vai trò hết sức quan trọng.
Đợt bùng phát này có thể làm chậm quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Singapore. Tuy nhiên, giới chức Singapore cũng hy vọng với việc xác định được nguyên nhân của đợt bùng phát mới, kịp thời "bịt những lỗ hổng" trong phòng chống dịch và siết chặt các hạn chế xã hội từ ngày 22/7, đồng thời công tác tiêm vaccine vẫn được triển khai đều để đạt mục tiêu đến ngày Quốc khánh Singapore (9/8), 70% dân số được tiêm vaccine đầy đủ, lộ trình chuyển sang “chung sống” với COVID-19 của “đảo quốc sư tử” vẫn có thể đi đúng hướng.