Vấn đề người di cư:

Séc tăng cường kiểm soát biên giới với Áo

Từ ngày 10/10, CH Séc sẽ tăng số lượng các cuộc kiểm tra lựa chọn tại biên giới nước này với Áo trong bối cảnh dòng người di cư qua các nước Đông Âu tìm đến các nước Tây Âu vẫn tiếp tục gia tăng.


Người di cư lên tàu hướng đến Serbia. Ảnh: AP

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Séc Luxia Novakova cho biết, việc kiểm tra sẽ được tiến hành tại 20 trạm qua lại biên giới, tăng so với con số 14 trạm có kiểm tra từ giữa tháng 9. Bộ huy động cảnh sát từ 9 vùng của cả nước để hỗ trợ lực lượng cảnh sát về người nước ngoài. Cho đến nay, Séc mới chỉ huy động cảnh sát từ 4 vùng đến tăng cường cho khu vực biên giới.

Bà Novakova cũng cho biết Séc sẵn sàng tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới khi dòng người di cư vẫn gia tăng tại châu Âu, ví dụ tới đây Séc có thể tạm bãi bỏ các chuyến tàu hỏa liên vận ở các tuyến di cư phổ biến nhất.

Trước đó, trong bối cảnh Áo có thể sẽ khôi phục trở lại biện pháp kiểm tra tại biên giới vào ngày 11/10 tới đây, khi dựng xong bức tường ngăn cách tại biên giới với Croatia, tại cuộc họp bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg, Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Hovanec tuyên bố Séc sẽ ngừng cho phép qua lại biên giới tự do nếu Áo áp dụng tương tự. Tuy vậy, Bộ Ngoại giao Séc loại trừ khả năng khôi phục lại kiểm soát đầy đủ tại biên giới.

Cũng liên quan đến vấn đề di cư, ngày 8/10, EU dự định sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách "các nước an toàn", nghĩa là người di cư đến từ đây sẽ được trao trả rất nhanh chóng về nước, do tại đây họ không bị đe dọa và nguy hiểm. Trước đó, đề xuất đưa Thổ Nhĩ Kỳ và 5 nước không thuộc EU tại vùng Balkan là Albania, Bosnia-Herzegovina, Macedonia, Montenegro và Serbia, cùng vùng lãnh thổ Kosovo, vào danh sách "các nước an toàn" nhằm đẩy nhanh hơn quá trình trục xuất người di cư, từng vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên.

Cũng trong ngày 9/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết cho phép EU bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại các tổ chức buôn người trên vùng biển Lybia.

Chiến dịch trên, đã được EU đổi tên thành Sophia để vinh danh bé gái sơ sinh được cứu sống ngoài khơi Libya hồi cuối tháng 8, có nhiệm vụ tìm kiếm, kiểm tra, bắt giữ các tàu đưa người di cư trái phép trên vùng lãnh hải quốc tế. Dự thảo nghị quyết của LHQ do Anh đề xướng không mang tính bắt buộc cho chiến dịch của EU mà chỉ tăng thêm tính pháp lý cho chiến dịch Sophia.

TTXVN/Tin Tức
Cuộc khủng hoảng di cư là thử thách lịch sử với châu Âu
Cuộc khủng hoảng di cư là thử thách lịch sử với châu Âu

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strassburg (Pháp) chiều 7/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cùng khẩn cấp kêu gọi các nghị sỹ châu Âu tăng cường đoàn kết và cùng nhau hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN