Hãng thông tấn SPA dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Năng lượng Saudi Arabia nêu rõ: "Vương quốc Saudi Arabia có kế hoạch tăng lượng xuất khẩu dầu thêm 600.000 thùng/ngày từ tháng 5 tới, như vậy tổng lượng xuất khẩu sẽ tăng lên 10,6 triệu thùng/ngày".
Điều này có nghĩa, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này, vốn đã thông báo tăng mạnh xuất khẩu vào tháng 4, sẽ thêm ít nhất 3,6 triệu thùng/ngày vào nguồn cung bổ sung cho thị trường thế giới trong bối cảnh sản lượng dư thừa và giá dầu thấp.
Trước đó, ngày 27/3, Saudi Arabia cho biết sẽ không đàm phán với Nga để cân bằng thị trường dầu mỏ bất chấp sức ép ngày càng tăng từ Washington nhằm ngăn chặn giá lao dốc trong dịch COVID-19. Một quan chức cấp cao của Nga trước đó nói rằng nhiều nước sản xuất dầu có thể hợp tác với Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga để hỗ trợ giá.
Do nhu cầu hiện được dự báo sẽ giảm 15-20 triệu thùng/ngày, giảm 20% so với năm 2019, các nhà phân tích cho hay việc các nước cắt giảm lượng lớn sản lượng sẽ là cần thiết, không chỉ riêng OPEC.
Trong phiên giao dịch 30/3, giá dầu châu Á đã giảm mạnh, với việc giá dầu Brent giảm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002, giữa bối cảnh thị trường ngày càng lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu và cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga có thể gây ra tình trạng dư cung.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 5,8% xuống 23,48 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống 23,03 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn phiên này có lúc giảm xuống 19,92 USD/thùng, áp sát mức thấp trong 18 năm ghi nhận hồi đầu tháng này, sau đó tăng lên mức 20,69 USD/thùng, giảm 0,82% so với phiên trước.
Ông Satoru Yoshida, nhà phân tích về hàng hóa tại Rakuten Securities, cho rằng giá dầu sẽ còn chịu sức ép và có thể giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng cho tới khi nào dịch bệnh có dấu hiệu chấm dứt.