Saudi Arabia cấm nhập cảnh đối với công dân của 20 quốc gia

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hãng thông tấn của Saudi Arabia SPA ngày 2/2 đưa tin nước này sẽ tạm cấm nhập cảnh đối với công dân của 20 quốc gia.

Đây là một trong các biện pháp của Saudi Arabia nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng gần đây ở vương quốc vùng Vịnh này. 

Chú thích ảnh
Các phương tiện đi qua cửa khẩu Abu Samrah ở biên giới Qatar - Saudi Arabia ngày 9/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Lệnh cấm có hiệu lực từ 21h ngày 3/2 (giờ địa phương). Các quốc gia trong danh sách cấm gồm Argentina, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Đức, Mỹ, Indonesia, Ireland, Italy, Pakistan, Brazil, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Pháp, Liban, Ai Cập, Ấn Độ và Nhật Bản. 

SPA dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Saudi Arabia nêu rõ quyết định trên được đưa ra nhằm đảm bảo tình hình dịch tễ và sức khoẻ cộng đồng ở vương quốc này. Trước đó, vào ngày 29/1 vừa qua, Riyadh tuyên bố gia hạn lệnh cấm đi lại đối với công dân và sẽ mở cửa trở lại đường hàng không, đường bộ, đường biển vào ngày 17/5 thay vì 31/3.

Ngày 2/2, Saudi Arabia đã ghi nhận thêm 310 trường hợp mắc COVID-19 và 4 ca tử vong do bệnh này, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này lên lần lượt là 368.639 người và 6.383 người. 

*Ngày 2/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết tổ chức này đã triển khai hơn 12.847 nhân viên y tế cộng đồng được đào tạo và lực lượng phản ứng nhanh trên khắp châu lục kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống đại dịch. 

Phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn báo cáo thường niên 2020 của CDC châu Phi cho biết cơ quan này đã sớm đào tạo các chuyên gia phòng thí nghiệm kể từ khi đại dịch xuất hiện, cung cấp các bộ dụng cụ xét nghiệm và các vật liệu thiết yếu khác, các khóa đào tạo chủ yếu giúp các quốc gia thành viên nâng cao năng lực chẩn đoán. Ngoài việc triển khai các nhân viên y tế cộng đồng đã được đào tạo và lực lượng phản ứng nhanh ở tuyến đầu, CDC châu Phi cũng đã tích cực tham gia tìm kiếm nguồn cung ứng và phân phối các nguồn vật tư y tế khác nhau ở hầu hết các quốc gia châu Phi. Cụ thể, CDC châu Phi đã cung cấp hơn 6,049 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19, 262.500 bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh dựa trên kháng nguyên, hơn 12,626 triệu khẩu trang các loại, 613.974 bộ quần áo bảo hộ, 4.890 nhiệt kế hồng ngoại, 805 mặt nạ phòng độc, hơn 4,923 triệu tấm che mặt, 1,677 đôi găng tay, 8,651 triệu viên dexamethasone, cũng như nhiều vật tư y tế khác như máy thở oxy, thuốc khử trùng, máy quét nhiệt, thiết bị giải trình tự gene…

Theo số liệu mới nhất từ CDC châu Phi, tính đến chiều ngày 2/2, toàn bộ châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 3.579.368 ca mắc COVID-19, trong đó có 91.524 ca tử vong, 3.074.154 ca đã được điều trị khỏi bệnh. Xét theo khu vực, vùng phía Nam châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả về số trường hợp mắc bệnh và số ca tử vong, tiếp theo là khu vực Bắc Phi. Xét theo quốc gia, Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất châu lục, tiếp theo là Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia…

Trương Anh Tuấn - Tấn Đạt  (TTXVN)
New Zealand phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech
New Zealand phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech

Ngày 3/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết Cơ quan quản lý Dược phẩm nước này đã phê duyệt tạm thời việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN