Theo đó, chính quyền thành phố sẽ chi 1.500 tỷ won (1,15 tỷ USD) trong thập kỷ tới để xây dựng 6 hệ thống chứa và thoát nước mưa quy mô lớn sâu dưới lòng đất. Hệ thống ống thoát nước với đường kính khoảng 10 m được đặt ở độ sâu từ 40 m- 50 m dưới lòng đất.
Thị trưởng Oh Se-hoon cho biết trong giai đoạn đầu triển khai các biện pháp chống lũ lụt, đến năm 2027, chính quyền thành phố sẽ xây dựng các đường hầm chứa nước mưa dưới lòng đất tại 3 khu vực xung quanh ga Gangnam ở Gangnam, khu vực suối Dorim ở Gwanak và Gwanghwamun ở trung tâm Seoul.
Tại khu vực Gangnam vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất do trận mưa lớn trong tuần này, đường hầm dưới lòng đất sẽ được thiết kế để có thể chống đỡ với lượng mưa lớn lên tới 110 mm/h. Các khu vực phía Nam Seoul đã hứng chịu lượng mưa lên tới hơn 100 mm/h trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua.
Trong nhiệm kỳ thị trưởng trước đây, vào tháng 7/2011, ông Oh Se-hoon đã công bố dự án xây dựng đường hầm dẫn nước dưới lòng đất, song dự án này đã bị hoãn do vấn đề ngân sách. Sau đó, người kế nhiệm ông là ông Park Won-soon chỉ xây dựng 1 trong 7 đường hầm theo dự án ở quận Sinwol, Tây Nam Seoul. Cơ sở này đã được hoàn thành vào tháng 5/2020 và có thể xử lý lượng mưa từ 95-100 mm/h, chứa khoảng 320.000 tấn nước.
Giới chức Hàn Quốc cho biết trong đêm 7/8, nhiều khu vực của Seoul, thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi đã hứng chịu những trận mưa lớn hơn 100 mm mỗi giờ. Lượng mưa mỗi giờ tại quận Dongjak của Seoul có thời điểm đã vượt qua 141,5 mm, trở thành trận mưa lớn nhất kể từ năm 1942.
Các trận mưa lớn kỷ lục đã làm ngập lụt nhà ở tại những vùng đất thấp, buộc hàng trăm người phải chuyển đến tạm trú ở các trường học và phòng tập thể thao. Mưa lớn kéo dài 3 ngày cũng khiến nhiều dịch vụ công cộng bị gián đoạn. Nhiều tuyến đường ở vùng đô thị Seoul bị ngập lụt khiến dịch vụ tàu hỏa và tàu điện phải tạm ngừng hoạt động. Hầu hết các dịch vụ đã được khôi phục vào sáng sớm 10/8, trong đó có dịch vụ tàu điện Seoul.