Sau khi đắc cử, ông Trump nói gì với lãnh đạo các nước?

Tổng thống Colombia và người đồng cấp Pháp đã trao đổi với chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng Donald Trump ngay sau khi ông đắc cử.

Ngày 11/11, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (ảnh) cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP/TTXVN

Ngày 11/11, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, hai bên đã thỏa thuận tăng cường mối quan hệ “đặc biệt và chiến lược” giữa Bogota và Washington.

Thông tin trên được Tổng thống Santos đăng tải trên tài khoản Twitter. Cuộc điện đàm kéo dài 5 phút và là cuộc điện đàm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia khu vực Nam Mỹ với ông Trump sau khi tỷ phú này đắc cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11 vừa qua.

Ngay sau khi ông Trump giành thắng lợi trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, trên tài khoản Twitter, ông Santos đã chúc mừng ứng cử viên đảng Cộng hòa, cũng như bày tỏ hy vọng quan hệ với Mỹ sẽ được củng cố trong tương lai.

Trước bầu cử, ông Santos nhấn mạnh Bogota luôn nhận được “sự ưu ái” của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Thông qua Kế hoạch Colombia, Mỹ đã tài trợ cho quốc gia Nam Mỹ 10 tỷ USD để triển khai cuộc chiến chống ma túy cũng như thúc đẩy kinh tế phát triển trong 15 năm qua. Colombia là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Nam Mỹ. Nhà Trắng cũng đã cam kết giúp đỡ Bogota trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã có cuộc điện đàm vời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trong đó hai bên cam kết hợp tác cùng nhau để làm rõ các quan điểm về những vấn đề then chốt.

Trong cuộc đối thoại kéo dài 7-8 phút, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ nỗ lực làm rõ lập trường về cuộc chiến chống khủng bố và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, thỏa thuận hạt nhân với Iran và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Hai bên cũng nhấn mạnh tình hữu nghị song phương, cũng như những vấn đề "lịch sử và giá trị" mà Pháp và Mỹ cùng chia sẻ.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Hollande cũng tuyên bố nhiệm vụ của ông là đảm bảo hai nước có mối quan hệ tốt nhất song phải trên cơ sở thẳng thắn và rõ ràng.

Cũng trong ngày 11/11, hãng tin Reuters dẫn lời một cố vấn an ninh giấu tên của Tổng thống đắc cử Trump cho biết cuộc gặp vào tuần tới giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ đánh dấu những bước tiến mới trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Theo nguồn tin trên, ông Trump đang trông đợi Nhật Bản "đóng vai trò tích cực hơn tại châu Á", và coi Thủ tướng Abe là nhân vật ở vị trí duy nhất thể hiện vai trò lãnh đạo trong liên minh.

Nguồn tin cho hay trong 100 ngày đầu nắm quyền của mình, ông Trump sẽ chấm dứt quy trình hạn chế ngân sách liên bang và đệ trình một ngân sách tài trợ cho việc đóng hàng chục tàu chiến mới. Điều này sẽ gửi thông điệp tới các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và những quốc gia khác rằng Mỹ đang nỗ lực vì sự hiện diện lâu dài tại châu Á.

Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã hối thúc chính quyền sắp tới của Mỹ duy trì cam kết thực thi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - thỏa thuận quốc tế được ký kết hồi năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Ông Zarif cảnh báo Iran có thể sẽ cân nhắc "những phương án khác" trong trường hợp bất cứ bên nào khác liên quan đến thỏa thuận trên không tuân thủ các cam kết của mình. Ông cũng khẳng định Iran đang thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong bản thỏa thuận, trong khi Mỹ vẫn chưa thực thi đầy đủ các trách nhiệm của mình, thậm chí với chính quyền hiện tại.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công nghiệp, Khai khoáng và Thương mại Iran Mohammad-Reza Nematzadeh cho rằng việc tỷ phú Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế về công nghiệp của Iran.

Theo ông Nematzadeh, những thỏa thuận quốc tế liên quan đến các dự án công nghiệp lớn của Iran hoàn toàn độc lập với JCPOA - văn kiện bị ông Trump liên tục chỉ trích trong chiến dịch tranh cử của mình.

TTXVN/Tin Tức
Biển Đông: Thách thức không thể xem nhẹ của Mỹ thời ông Trump
Biển Đông: Thách thức không thể xem nhẹ của Mỹ thời ông Trump

Theo CNN, cả Trung Quốc và Mỹ đang trong một trò chơi "nguy hiểm" ở Biển Đông. Cạnh tranh ảnh hưởng Trung-Mỹ tại đây có thể sẽ dẫn đến nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN