Mark Zuckerberg, người sáng lập ra trang mạng xã hội Facebook. Ảnh: Reuters |
Theo Sputnik, đây là biện pháp mà Facebook gọi là sử dụng kỹ thuật công nghệ thấp.
Cụ thể: Facebook sẽ thiết kế giao diện có thêm một nút ấn với tên gọi là “Tin giả” trên góc phải bài viết có dấu hiệu đáng ngờ, sau đó yêu cầu các tập đoàn truyền thông kiểm tra, đánh giá mức độ chính xác của bài viết này.
Bài viết cũng được thẩm định bởi rất nhiều người sử dụng Facebook. Sau khi có kết quả thẩm định, Facebook sẽ yêu cầu người sử dụng không chia sẻ nội dung bài viết được đánh giá là thông tin giả mạo này.
Mark Zuckerberg cho biết đây chưa phải là biện pháp cuối cùng nhằm ngăn chặn thông tin giả mạo lan truyền trên Facebook, do vậy, Facebook nhấn mạnh rằng biện pháp này chỉ mang tạm thời, nó có thể được thay đổi sau khi triển khai thí điểm.
Dư luận cho rằng, việc sử dụng biện pháp sàng lọc thông tin trên có nghĩa là Facebook đang lảng tránh trách nhiệm kiểm duyệt thông tin trên trang mạng của mình.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, công luận rộ lên chuyện mạng xã hội đã góp phần trong việc phát tán tin tức giả có lợi cho các ứng cử viên và mạng xã hội Facebook đối mặt với nhiều chất vấn trách nhiệm của họ tới đâu trong việc phát tán tin giả và không ngăn chặn tình trạng chia sẻ những tin đồn thất thiệt đó.
Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại tin giả mạo, cảnh báo chúng có thể làm hại chính trị đến mức “chúng ta không biết đang đấu tranh cho cái gì”.
Theo tờ Business Insider, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Obama nói: “Trong thời đại có quá nhiều thông tin sai lầm đang hoạt động và được đóng gói một cách khéo léo, giống nhau dù xem trên Facebook hay bật tivi… nếu mọi thứ đều như nhau và không có sự khác biệt nào được tạo ra, chúng ta sẽ không biết bảo vệ cái gì”.