Nhiều doanh nghiệp sản xuất rượu lớn của nước này dù đã khẳng định được vị thế của mình nhưng cũng đã bắt đầu xem xét điều chỉnh chiến lược kinh doanh với mức đầu tư lớn chưa từng có.
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy kim ngạch xuất khẩu rượu Whisky Nhật Bản trong năm 2022 lên tới 56 tỷ yen (khoảng 430 triệu USD), tăng gấp 10 lần so với năm 2014, và chỉ đứng thứ hai trong số các sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ nông nghiệp.
Trong suốt 100 năm qua, dòng rượu Whisky Nhật Bản ngày càng khẳng định được vị thế ở tầm vóc thế giới. Điển hình là nhiều chai rượu Whisky của Nhật Bản đã liên tiếp lập kỷ lục đầu giá ở nước ngoài. Năm ngoái, chai rượu “Yamazaki 55 năm” của hãng Suntory đã được đấu giá tại Mỹ lên tới 81 triệu yen (khoảng 620.000 USD). Hay bộ sản phẩm “Ichiro’s Malt” đã được bán tại Hongkong (Trung Quốc) với giá 100 triệu yen (khoảng gần 770.000 USD) vào năm 2019.
Rượu Whisky của Nhật Bản từng có giai đoạn gặp khó khăn trong hơn 20 năm sau khi đạt đỉnh vào năm 1983, do tác động của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đến năm 2008, hãng rượu Suntory cho ra mắt sản phẩm “highball”, pha chế rượu Whisky nguyên chất với nước soda. Sản phẩm này đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường khi ngày càng nhiều người Nhật cũng như người nước ngoài ưu chuộng và được đánh giá là có hương vị độc đáo, tinh tế nhờ được ủ bằng công thức đặc biệt trong vài năm hoặc hàng chục năm.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã đưa rượu Whisky vào danh sách mặt hàng có nguồn gốc từ nông nghiệp ưu tiên xuất khẩu, đồng thời khuyến khích các khu vực công và tư tăng cường hợp tác để nâng cấp quy mô đầu tư phát triển mặt hàng này.
Ông Nobuhiro Tori, Chủ tịch Tập đoàn Suntory, cho biết doanh nghiệp này đang lên kế hoạch đầu tư 10 tỷ yen (khoảng 77 triệu USD) vào việc cải tạo nhà máy Yamazaki ở thuộc tỉnh Osaka và nhà máy Hakushu ở tỉnh Yamanashi để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Trong khi đó, tập đoàn Kirin cho biết sẽ đầu tư 8 tỷ yen (khoảng 60 triệu USD) nâng cấp nhà máy Fuji Gotemba ở tỉnh Shizuoka. Tập đoàn Nikka chuyển trụ sở chính đến nhà máy Yoichi ở Hokkaido sau 70 năm, với khẩu hiệu “quay trở lại cội nguồn” để làm mới thương hiệu của mình.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài thì việc bình thường hóa các hoạt động đi lại sau hơn 3 năm dịch bệnh cũng sẽ làm tăng đáng kể doanh thu của nhiều cửa hàng rượu Whisky trong nước. Các hãng rượu lớn của Nhật Bản tập trung vào đối tượng là khách du lịch nước ngoài muốn mua rượu làm quà lưu niệm vì họ thường không dễ mua được ở trong nước với giá hợp lý.