Với 84 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 4 phiếu trắng, tân Thủ tướng Ceant, lãnh đạo một tổ chức chính trị mang tên Renmen Ayiti, đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện sau khi ông tham gia phiên trả lời các câu hỏi của các nghị sĩ kéo dài suốt đêm.
Trước đó, Thượng viện Haiti cũng tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự và đã thông qua chính phủ mới của Haiti với 21 phiếu thuận trong tổng số 28 phiếu. Trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu tín nhiệm này, Tân Thủ tướng Ceant đã trình bày chương trình nghị sự của chính phủ, đồng thời giải đáp nghi vấn liên quan đến trốn thuế của một số thành viên nội các.
Như vậy, chính phủ mới của Tân Thủ tướng Ceant đã hoàn tất 2 bước đi cần thiết đầu tiên để có thể đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất đồng tồn tại giữa cơ quan lập pháp và chính phủ, nội các gồm 18 thành viên của ông Ceant phải mất 1 tháng mới được thông qua.
Ông Ceant, 61 tuổi, từng tham gia tranh cử tổng thống Haiti vào các năm 2010 và 2016, song không thành công. Ông đã được Tổng thống Haiti Jovenel Moise chỉ định làm thủ tướng mới của đất nước vùng Caribe vào ngày 5/8 vừa qua sau khi ông Jack Guy Lafontant từ chức Thủ tướng do không thể giải quyết làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tăng giá nhiên liệu hồi tháng 7 vừa qua.
Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi ngày 6/7, Chính phủ Haiti đã công bố biểu giá các loại nhiên liệu mới, theo đó giá xăng sẽ tăng 38%, dầu diesel áp dụng mức tăng 47% trong khi kerosene tăng 51%. Việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu là một phần trong các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ Haiti đã cam kết với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ hồi tháng 2 vừa qua. Làn sóng biểu tình này đã biến thành bạo loạn, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, hàng chục cửa hàng bị cướp phá và nhiều ôtô bị đốt cháy. Chính phủ Haiti sau đó đã buộc phải ngừng kế hoạch tăng giá xăng dầu gây tranh cãi này.