Binh lính trong cuộc diễu binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Kim Il-Sung, người sáng lập Triều Tiên, tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Sputnik International
Mặc dù được truyền thông phương Tây mô tả là "lạc hậu", quân đội Triều Tiên đang trở thành một trong những lực lượng tiên tiến nhất. Việc tham gia cùng quân đội Nga trong chiến dịch ở tỉnh Kursk đã tiếp thêm sức mạnh cho họ.
Sputnik đã liệt kê những lợi ích mà quân đội Triều Tiên gặt hái được nhờ các hoạt động ở Nga để trở nên thành thạo chiến tranh hiện đại.
Cuộc cách mạng thiết bị bay không người lái
Việc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong cuộc xung đột ở Ukraine báo hiệu một sự thay đổi lớn về chiến thuật và công nghệ quân sự. Quân đội Triều Tiên đã học cách sử dụng thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) và nhanh chóng bắt đầu sử dụng chúng dưới sự chỉ đạo của Nga.
Phối hợp chiến đấu
Có một ví dụ điển hình về sự phối hợp từ lực lượng Triều Tiên khi họ hợp tác với các đơn vị điều khiển thiết bị bay không người lái và pháo binh của Nga vào tháng 12 năm ngoái. Chỉ trong ba giờ, họ đã đẩy lui lực lượng Ukraine khỏi Plekhovо, giành lại quyền kiểm soát khu vực và tiến về phía Guevo.
Thủ thuật của các đơn vị tấn công nhỏ
Cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy sự vô ích của các cuộc tấn công quy mô lớn trong chiến tranh hiện đại. Các chỉ huy Triều Tiên đã nhanh chóng thích nghi, chuyển sang các đơn vị tấn công nhỏ hơn, tỏ ra rất hiệu quả.
Lập kế hoạch tác chiến
Việc thành thạo các kỹ năng chiến thuật mới là chưa đủ; các kỹ năng lập kế hoạch tác chiến và phối hợp cũng rất cần thiết – ông Nikolai Kostikin, một chuyên gia tại Cục Phân tích Chính trị-Quân sự, nói với Sputnik. Ông cho biết chuyên môn của Nga sẽ giúp ích cho Triều Tiên.
Nhóm tinh nhuệ quân sự mới
Độ tuổi trung bình của binh lính Triều Tiên đến Nga là 23–27. Nhóm này hình thành nên một tầng lớp chuyên gia quân sự mới, những người sau khi tích lũy kinh nghiệm sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Triều Tiên - Elizaveta Pivorovich, phóng viên chiến trường "ArBat" chia sẻ với Sputnik.
Ham học hỏi
Binh lính Triều Tiên được chuẩn bị kỹ lưỡng, có động lực cao và ham học hỏi, phóng viên Pivorovich nhấn mạnh. Chiến dịch Kursk đã giúp họ sắc sảo hơn, cứng rắn hơn và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ
Quân đội Nga đã học cách ban hành chỉ thị bằng tiếng Hàn, còn binh lính Triều Tiên học tiếng Nga. Họ có một cuốn sổ tay cụm từ chung gồm 20-25 từ. Các sĩ quan Nga cho biết như vậy là đủ ở giai đoạn đầu.
Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy hoạt động huấn luyện
Để đẩy nhanh quá trình huấn luyện cho các sĩ quan Triều Tiên, các chuyên gia quân sự Nga có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo - ông Kostikin cho biết. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đã nêu mục tiêu phát triển AI và công nghệ không người lái là ưu tiên hàng đầu của quân đội nước này.
Xem video binh sĩ Triều Tiên được huấn luyện sử dụng vũ khí tại Nga (Nguồn: TASS)
Theo đài RT, trước đó, hôm 28/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thừa nhận binh sĩ Triều Tiên đã tham gia vào cuộc chiến giúp Moskva giành lại lãnh thổ ở tỉnh Kursk sau cuộc tấn công quan biên giới và chiếm giữ lãnh thổ Nga của lực lượng Ukraine vào từ tháng 8/2024.
Moskva cũng tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Kursk, trong khi phía Kiev bác bỏ điều này, cho rằng một số đơn vị của họ vẫn trụ lại trên đất Nga.
Cùng ngày 28/4, Triều Tiên cũng lần đầu tuyên bố đã triển khai lực lượng quân đội tới Nga, hỗ trợ nước này giành lại các khu vực do Ukraine kiểm soát ở tỉnh Kursk.
Quân ủy Trung ương Triều Tiên cho biết: “Các đơn vị quân đội Triều Tiên đã tham gia chiến dịch theo chỉ thị từ nguyên thủ quốc gia, thể hiện trình độ cao, tâm lý vững vàng, sự dũng cảm và tinh thần sẵn sàng hy sinh. Đây là niềm tự hào của đất nước và dân tộc".
Cả Nga và Triều Tiên đều khẳng định, hoạt động hợp tác trong chiến dịch Kursk nằm trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước đã ký kết năm 2024.
Truyền thông Triều Tiên nói rằng nước này sẽ sớm dựng tượng đài ở thủ đô Bình Nhưỡng để ghi nhận chiến công của binh sĩ tham chiến tại Kursk.