Theo Bloomberg ngày 4/1, ông Petro Kotin, Chủ tịch công ty điện hạt nhân Energoatom của Ukraine, tỏ ra nghi ngờ về lời kêu gọi của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng chính quyền Ukraine và Nga cần thiết lập vành đai an ninh xung quanh nhà máy Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Sáu lò phản ứng ở nhà máy này đã nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng Nga trong tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt. Từ đó, các lò phản ứng bị tấn công bằng pháo và tên lửa, làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp hạt nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối ngày 3/1, ông Kotin nhận định về nỗ lực của IAEA nhằm thiết lập vùng đệm an ninh: “Chúng tôi nghĩ điều đó là không thực tế. Đã tới năm mới và khu vực này vẫn chưa được thiết lập”.
Thay vào đó, ông Kotin nói rằng kịch bản có nhiều khả năng xảy ra là nhà máy này trở lại dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine. Ông nói: “Hy vọng tốt nhất của chúng tôi nằm ở các lực lượng vũ trang Ukraine… Nếu lực lượng của Kiev có thể chọc thủng phòng tuyến của quân Nga và chiếm được thành phố phía Nam Melitopol, cách nhà máy hơn 100 km về phía Nam, thì lựa chọn duy nhất là quân Nga phải rời khỏi nhà máy”.
Các bình luận trên cho thấy rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tháng trước, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã lạc quan rằng các bên đang tiến gần thỏa thuận thiết lập khu vực an ninh.
Trước đó, vào tháng 10, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom đã tuyên bố toàn quyền sở hữu Zaporizhzhia vào tháng 10. Chủ tịch hội đồng giám sát nhà máy, ông Sergei Kiriyenko, đã đến thăm nhà máy vào cuối tháng trước.
Nỗ lực của chính phủ Ukraine nhằm thuyết phục các quốc gia khác cắt đứt quan hệ với ngành nguyên tử Nga đã giành được sự ủng hộ của Holtec International - nhà cung cấp hạt nhân của Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Ukraine.
Giám đốc điều hành Holtec Kris Singh đã viết trong một bức thư rằng việc Nga chiếm đóng Zaporizhzhia không chỉ có nguy cơ gây ra sự cố hạt nhân mà còn có nguy cơ khiến năng lượng nguyên tử không còn là một nguồn năng lượng sạch trên toàn cầu.
Trước đó, theo đài RT, Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov đã cáo buộc Ukraine liên tục nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông Gerasimov cho biết chỉ nhờ những nỗ lực không ngừng của quân đội Nga, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mới được bảo vệ an toàn khỏi thảm họa.
Ông Gerasimov cáo buộc âm mưu “khủng bố hạt nhân” của Kiev khi thực hiện các cuộc tấn công không ngừng vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và động thái này đang đe dọa toàn bộ châu Âu. Ông nhấn mạnh: “Mùa hè này, Ukraine đã sử dụng chiến thuật khủng bố hạt nhân, đe dọa châu Âu bằng thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Zaporizhzhia”. Các cuộc pháo kích có hệ thống vào nhà máy được thực hiện gần như hàng ngày.
Để tránh rủi ro, Nga đã cho xây dựng một mái vòm gồm các tấm chắn bảo vệ các bể chứa nhiên liệu phóng xạ đã qua sử dụng tại nhà máy Zaporizhzhia. Thiết kế hệ thống trên là để bảo vệ các bể chứa khỏi mảnh đạn và các thiết bị nổ tự tạo do máy bay không người lái mang theo và mái vòm sẽ được gia cố thêm sau này.
Tập đoàn Rosatom đã cảnh báo rằng hư hỏng các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng có nguy cơ giải phóng chất phóng xạ vào khí quyển, gây ra những hậu quả khó lường.
Trong vài tháng qua, nhà máy điện Zaporizhzhia đã phải hứng chịu nhiều đợt pháo kích, cũng như các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái. Trong khi Nga khẳng định thiệt hại đối với cơ sở này là do lực lượng Kiev gây ra, giới chức Ukraine đã cáo buộc Nga tấn công cơ sở mà họ kiểm soát. IAEA xác nhận các cuộc tấn công vào nhà máy đã xảy ra, nhưng từ chối đổ lỗi cho bất kỳ bên nào.
Nga đã giành quyền kiểm soát Zaporizhzhia – nhà máy năng lượng hạt nhân lớn nhất ở châu Âu – ngay từ đầu cuộc xung đột. Hồi tháng 10, Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh đưa các cơ sở của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào danh sách tài sản liên bang Nga.