Quan chức EU bình luận về kế hoạch mở rộng thành viên

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 28/8 cho biết Liên minh châu Âu (EU) dự định bắt đầu quá trình thảo luận về việc kết nạp Ukraine và một số quốc gia khác vào khối này sớm nhất là vào tháng 10.

Chú thích ảnh
Chủ tịch EC Charles Michel phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Bled ngày 28/8. Ảnh: AP

Phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Bled ở Slovenia, ông Michel cho rằng mở rộng EU "không còn là một giấc mơ", đồng thời khẳng định "khi chuẩn bị chương trình nghị sự chiến lược tiếp theo của EU, chúng ta phải đặt ra một mục tiêu rõ ràng”.

Theo ông Michel, cả EU và các nước có nguyện vọng gia nhập cần phải sẵn sàng để có thể hoàn thành mục tiêu mở rộng vào năm 2030. Ông nhấn mạnh, "đây là một tham vọng cần thiết và điều đó cho thấy các bên đều rất nghiêm túc".

Vị quan chức EU cho biết các nhà lãnh đạo của khối sẽ thảo luận về kế hoạch mở rộng tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng châu Âu vào tháng 10 tới, trong đó sẽ đưa ra lập trường về đề xuất khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova.

Trong khi đó, một hội nghị thượng đỉnh EU-các nước Tây Balkan sẽ được triệu tập vào tháng 12 và được kỳ vọng là sự kiện đánh dấu việc trở lại bàn đàm phán của Bosnia-Herzegovina và Gruzia.

Ông Michel cũng đề nghị các nước có nguyện vọng gia nhập khối cần phải áp dụng các giá trị cơ bản của EU về "quyền và phẩm giá, dân chủ và đoàn kết", cũng như triển khai luật pháp với sự tôn trọng đầy đủ tính chất đa dạng của khối.

Về phần mình, Thủ tướng Albania Edi Rama hoan nghênh thông báo mở rộng, nhưng bày tỏ lo ngại rằng việc Ukraine được ưu tiên xem xét có thể sẽ châm ngòi cho những tranh cãi khi các nước vùng Balkan đã chờ đợi tư cách thành viên trong nhiều thập kỷ.

"Ukraine nên được coi là ứng viên tiềm năng gia nhập EU song tôi hy vọng điều này sẽ không gây bất lợi cho các quốc gia vùng Tây Balkan", Thủ tướng Rama nêu rõ.

Albania nộp đơn xin gia nhập vào năm 2009 và được trao tư cách ứng cử viên từ năm 2014. Trong khi đó, Serbia cũng đã được trao tư cách ứng cử viên vào năm 2012.

Ông Michel cũng lưu ý rằng "giải quyết xung đột song phương từ quá khứ" là một yêu cầu cần thiết để gia nhập EU bởi vì "không có chỗ cho các xung đột trong quá khứ trong nội bộ EU".

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo RT)
Moldova, Gruzia thúc đẩy tiến trình gia nhập EU
Moldova, Gruzia thúc đẩy tiến trình gia nhập EU

Ngày 31/5, Phó Thủ tướng Moldova Nicu Popescu cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) lần thứ 2 sẽ là cơ hội để thể hiện Moldova sẵn sàng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN