Phương Tây lo ngại sau khi Ukraine tấn công hệ thống radar hạt nhân Nga

Một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine mới đây vào cơ sở radar của Nga làm nhiệm vụ theo dõi tên lửa hạt nhân đã khiến một số nhà phân tích quân sự và chính trị ở phương Tây lo ngại.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 23/5 cho thấy cơ sở radar của Nga bị hư hại. Ảnh: Planet Labs Inc.

Theo tờ Business Insider, ngày 23/5, Kiev đã tấn công cơ sở radar Armavir ở khu vực biên giới Krasnodar, làm hư hại cơ sở hạ tầng đóng vai trò là một phần của hệ thống cảnh báo hạt nhân của Moskva.

Ngày 25/5, các quan chức Ukraine xác nhận lực lượng nước này đã thực hiện cuộc tấn công, cho biết cơ sở này giám sát không phận Nga và Crimea.

Cơ sở radar này được cho là có khả năng theo dõi tên lửa Atacms tầm xa được Mỹ chuyển giao cho Ukraine vào đầu năm nay.

Mauro Gilli, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại ETH Zurich, cho biết cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái là một thành công về mặt chiến thuật vì nó sẽ buộc Nga phải triển khai lại các hệ thống phòng không, đồng thời cũng mang ý nghĩa cảnh báo rằng không có địa điểm quân sự nào của Nga là bất khả xâm phạm.

“Chúng ta có thể tranh luận về tính hiệu quả và giá trị nhưng về mặt chiến lược thì điều đó hợp lý”, ông Gilli khẳng định.

Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây khác tỏ ra do dự hơn và nói rằng Ukraine nên hạn chế việc tấn công cơ sở hạ tầng hạt nhân của Nga.

Hans Kristensen, chuyên gia về kho vũ khí hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Đó không phải là một quyết định sáng suốt của Ukraine”.

Trong khi đó, Thord Are Iversen - một nhà phân tích quân sự người Na Uy - nhận định hành động tấn công một phần hệ thống cảnh báo hạt nhân của Nga “không phải là một ý tưởng hay đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng. “Hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo của Nga hoạt động tốt thì mới có lợi cho tất cả các bên”, ông Thord cảnh báo.

Fabian Hoffmann, nhà nghiên cứu tiến sĩ về công nghệ tên lửa tại Đại học Oslo (Mỹ), đánh giá Ukraine và các đồng minh NATO vẫn cần phải thận trọng vì một số quan chức Mỹ và một số đồng minh châu Âu của Ukraine có thể coi cuộc tấn công vào cơ sở radar là hành động liều lĩnh.

Là một trong những hệ thống radar hiện đại nhất của Nga, Voronezh được triển khai 10 cơ sở dọc biên giới Nga. Mỗi hệ thống này có tầm hoạt động khoảng 6.400 km và có thể theo dõi 500 vật thể cùng một lúc.

Nga vẫn chưa bình luận về vụ tấn công mà Ukraine thừa nhận thực hiện. Tuy nhiên, cuộc tấn công này cũng đồng nhất với những mô hình các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác mà Ukraine tăng cường trong năm nay nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, bao gồm các nhà máy lọc dầu và trung tâm vận tải.

Cuộc tấn công diễn ra ngay sau khi Moskova bắt đầu cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật tại Quân khu phía Nam.

Đối với các quốc gia phương Tây, cho đến nay, họ vẫn chần chừ trong việc gửi vũ khí tầm xa cho Kiev. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thẳng thừng từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus của Đức cho Ukraine, với lý do ông lo ngại leo thang hạt nhân có thể xảy ra.

Cho đến nay, Mỹ vẫn không nhượng bộ trước yêu cầu của Ukraine về việc được phép sử dụng vũ khí phương Tây trong các cuộc tấn công xuyên biên giới.

Việc Anh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của mình để tấn công Nga giờ đây đang gia tăng sức ép lên Nhà Trắng.

Cuối tuần qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Economist rằng đã đến lúc “dỡ bỏ một số lệnh cấm”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo B.I)
Sau Kharkov, Nga chuẩn bị mở thêm mặt trận mới ở phía Bắc Ukraine
Sau Kharkov, Nga chuẩn bị mở thêm mặt trận mới ở phía Bắc Ukraine

Bằng cách mở một mặt trận mới ở miền Bắc Ukraine, Nga đang đánh cược rằng người Ukraine, vốn đã kiệt sức sau hơn hai năm chiến tranh, sẽ không thể duy trì các vị trí của mình trên toàn bộ chiến tuyến dài 1.000 km.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN